Chiều 28/7, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối tượng Trần Văn Đức (48 tuổi) trú tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột để điều tra về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Trước đó, chiều 25/7, trên đường Kim Đồng (phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), ông Đức điều khiển ô tô màu đen trên đường về nhà vợ cũ (đã ly hôn từ năm 2022) thì thấy em trai của vợ cũ ở trong ô tô màu đỏ nên đã chặn đường, tông 2 phát vào xe. Người em dừng xe lại bên đường và bỏ chạy. Người đàn ông tiếp tục lái xe tông liên tục nhiều lần vào chiếc xe đỏ khiến cả 2 xe hư hỏng nặng.
Tại hiện trường, chiếc Peugeot bị tông nên đập mạnh vào một thân cây, hư hỏng nặng ở phần đầu xe; chiếc VinFast cũng bị hư hỏng nhiều bộ phận. Công an đã mời những người có liên quan lên trụ sở để lấy lời khai, làm rõ.
|
Hiện trường vụ việc (Ảnh: Lê Anh) |
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, hành vi của tài xế cố tình lái ô tô tông nát xe khác được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, nếu người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp (có tổ chức, gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia, dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác…) có thể bị phạt tù 2-7 năm.
Trường hợp người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có thể bị phạt tù 5-10 năm. Người gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt 10-20 năm tù giam.
Cần dựa vào việc định giá thiệt hại để xác định khung hình phạt. Ngoài ra, người gây hư hỏng tài sản còn phải có trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại tài sản của người khác.
Luật sư Kỹ phân tích, nếu người phạm tội có mục đích khác, việc hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác, thì không phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tùy trường hợp cụ thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.
Cơ quan công an bước đầu xác định người đàn ông điều khiển ô tô VinFast màu đen đã sử dụng rượu bia trước khi lái xe tông liên tục vào chiếc Peugeot màu đỏ. Do đó, lực lượng chức năng sẽ củng cố hồ sơ để xử lý người cầm lái theo quy định của pháp luật.
Luật sư Kỹ phân tích, Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008), sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 (Số: 44/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019) đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Nếu cố tình vi phạm, lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ quy định tại Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021-NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 5). Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (quy định tại Điểm e Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (quy định tại Điểm c Khoản 8 Điều 5). Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (quy định tại Điểm g Khoản 11 Điều 5).
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (quy định tại Điểm a Khoản 10 Điều 5). Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (quy định tại Điểm h Khoản 11 Điều 5)./.