Mượn giấy tờ tùy thân đi lại khi giãn cách xã hội sẽ bị phạt tối đa 10 triệu

Thứ hai, 09/08/2021 20:16
(ĐCSVN) - Hiện nhiều địa phương trên cả nước đã và đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng để kiểm soát việc người dân ra đường, hạn chế nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng. Thực tế lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh đã phát hiện một số trường hợp mượn chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc giấy đi đường của người khác.

Vậy, người nào sử dụng, thuê hoặc cho mượn giấy tờ tùy thân như chứng minh thư hay căn cước công dân để ra đường trong thời gian giãn cách xã hội sẽ bị xử lý ra sao?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng, Công ty luật Hà Thành cho biết, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân nào vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân hay giấy tờ tùy thân có giá trị tương đương, sẽ bị xử phạt hành chính.

 Lực lượng công an kiểm tra giấy tờ tùy thân và Giấy đi đường của người tham gia giao thông tại phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội ngày 28/7. (Ảnh:Giang Huy)

Cụ thể, Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nêu rõ người nào sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật, thì bị phạt 1-2 triệu đồng. Khi ra quyết định xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra để áp dụng mức phạt cụ thể.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị xem xét xử phạt hành chính theo Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.  Cụ thể, ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2m sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Các hành vi này vi phạm không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Thẩm quyền xử phạt được quy định trong Nghị định 117/2020 là Chủ tịch UBND cấp xã, Chánh Thanh tra Sở Y tế, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh…

Đáng chú ý, nếu người vi phạm đang thuộc diện cách ly tại nhà nhưng mượn giấy tờ của người khác để ra đường thì có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng về hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền, quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020.

Cũng theo luật sư Dũng, các địa phương cần khẩn trương thúc đẩy và hoàn thiện ứng dụng công nghệ số vào kiểm soát phòng, chống dịch. Một khi các giải pháp công nghệ như lắp đặt cổng kiểm soát từ xa, cài đặt thiết bị, phần mềm quét mã nhận diện trên điện thoại, máy tính có camera tại các chốt kiểm soát, sử dụng mã QR code công dân vào xác minh danh tính… sẽ giúp loại trừ từ đầu những trường hợp không được phép.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng cần đẩy nhanh tốc độ cấp CCCD gắn chip điện tử cho các hồ sơ đã đủ điều kiện./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực