Muôn hình vạn trạng về câu chuyện trốn cách ly y tế

Chủ nhật, 13/06/2021 12:15
(ĐCSVN) - Ngay từ những ngày đầu tiên dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong các quốc gia phòng dịch tốt nhất trong khu vực. Một trong những yếu tố quyết định “cách mạnh y tế” thắng lợi là nhờ vào quy định cách ly y tế với các đối tượng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có ý thức tốt.

Qua truy vết, cơ quan y tế tỉnh Quảng Trị đã phát hiện ra trường hợp của ông L.T.H, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty PĐ (đơn vị đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được xác định là người có mặt trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội về Huế ngày 06/3. Ngày 08/3, một người trên chuyến bay này bị phát hiện dương tính với COVID-19. Tuy nhiên thay vì thực hiện cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan y tế, ông H. đã chỉ đạo cấp dưới của mình đi cách ly thay.

 Khu cách ly tập trung Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ công an tỉnh Lâm Đồng, nơi xảy ra trường hợp "đánh tráo" cách ly phòng, chống dịch COVID-19 ngày 02/6.

(Ảnh: Đình Đông)

Tương tự, ngày 02/6, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện trường hợp của ông Đ.N.D (51 tuổi) và một người khác được đưa vào một khu cách ly tập trung tại thành phố Đà Lạt do là F1. Tuy nhiên đến sáng ngày 04/6, lực lượng y tế phát hiện ông T.Đ.D (39 tuổi, ngụ tại thành phố Đà Lạt) đi cách ly thay ông Đ.N.D.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý đối với các cá nhân vi phạm trong sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, Luật gia Trần Thị Hằng, Công ty luật TNHH Trường Sơn nêu một số nhận định như sau:

* Đối với cá nhân ông L.T.H, ông Đ.N.D:

Hành vi của 2 ông đã vi phạm nghiêm trọng quy định về cách ly y tế đặc biệt trong giai đoạn “làn sóng COVID-19” bùng phát mạnh mẽ của biến chủng lây lan từ Ấn Độ như hiện nay, theo Khoản 7, Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Xét về tính chất nghiêm trọng của hành vi, tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, ban hành ngày 28/9/2020 như sau:

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.”

Hành vi cử nhân viên của mình đi cách ly thay là một trong các hình thức trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế. Theo Luật gia Trần Thị Hằng, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, ông L.T.H và ông Đ.N.D có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Đặc biệt, đối với tình hình trạng bệnh của ông H và ông D thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ông H và ông D có thể bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng và buộc thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly. Cụ thể quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:

a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 và các Điểm a, b Khoản 2 Điều này.

Nếu bản thân ông H và ông D bị nhiễm COVID -19, mà việc trốn cách ly dẫn tới những người khác bị nhiễm theo thì đây là dấu hiệu phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy theo mức độ vi phạm mà bị phạt tương ứng theo các khung hình phạt của Điều 240 này, cụ thể:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với người cách ly thay:

Luật gia Trần Thị Hằng cho rằng, người này đồng tình và thực hiện việc cách ly thay ông L.T.H, người cách ly thay có dấu hiệu vi phạm Điều 7 và 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP nêu trên. Nếu thuộc trường hợp vi phạm Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người này là đồng phạm và cùng bị truy tố với ông L.T.H và ông Đ.N.D./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực