Ngân hàng nói gì về thuật ngữ tài khoản "tạm khóa báo có"

Thứ năm, 23/09/2021 10:00
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, thuật ngữ về tài khoản "tạm khóa báo có" bỗng trở thành đề tài được đặc biệt quan tâm trên mạng. Khái niệm này được một số chuyên gia tài chính, ngân hàng có cách giải thích rất khác nhau.
Tạm khoá báo có không phải là đóng tài khoản mà là một hình thức tạm thời kích hoạt chức năng "ghi có" vào tài khoản của khách hàng. Ảnh: TL 

Theo đó, trên mạng xã hội gần đây có nhắc đến văn bản của một ngân hàng liên quan đến hoạt động sao kê có chứa thuật ngữ “tạm khóa báo có tài khoản”.

“Tạm khoá báo có không phải là đóng tài khoản. Tạm khoá báo có chỉ là một hình thức tạm thời kích hoạt chức năng "ghi có" vào tài khoản của khách hàng".

Trước những thông tin trái chiều về việc tạm khóa báo có tài khoản trên mạng xã hội, trên trang thông tin của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có lời giải thích về sự việc này.

Theo Điều 16 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định:

“Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.

Vậy nên, "tạm khóa báo có tài khoản" được hiểu là việc Ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi có vào tài khoản của khách hàng.

Số tiền được người khác chuyển vào tài khoản sẽ không nhận được ghi có vào tài khoản và được hoàn trả lại cho bên chuyển đối với các trường hợp tài khoản được khóa toàn bộ 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc khóa chiều ghi có. Đồng thời tại thời điểm tạm khóa ghi có tài khoản sẽ không ghi có bất kỳ giao dịch nào.

Các trường hợp chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank hoặc chuyển nhanh 24/7 ngoài hệ thống qua Napas, hệ thống sẽ tự động thông báo và chặn không cho tiếp tục giao dịch.

Với các giao dịch chuyển liên ngân hàng qua hệ thống IBPS và các giao dịch từ nước ngoài, khi nhận được giao dịch chuyển đến ngân hàng sẽ thực hiện chuyển lại cho đầu ngân hàng chuyển đến để trả lại người chuyển tiền.

Tất cả quá trình xử lý giao dịch đều tuân thủ theo quy định của ngân hàng Nhà nước, giao dịch qua IBPS và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài.

Với những giải thích như trên của Vietcombank, một chuyên gia ngân hàng chia sẻ: “Như vậy, có thể thấy ngân hàng này đã phủ nhận ý kiến của nữ đại gia Bình Dương. Có thể hiểu rằng, khi tài khoản đã khóa cả 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc khóa chiều ghi có thì ngân hàng sẽ hoàn trả lại tiền”.

Đồng tình với nhận định này, một luật sư cho rằng: “Đối với các tài khoản ngân hàng, khi đã có yêu cầu đóng tài khoản của khách hàng thì đương nhiên tài khoản đó sẽ ở trạng thái không hoạt động và không thể chuyển tiền vào tài khoản đó được nữa. Do vậy, để xác minh được số tiền đã chuyển có thể chuyển được vào tài khoản đó hay không thì cần phải sao kê tài khoản đồng thời yêu cầu phía ngân hàng cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng của tài khoản đó”.

Trong thời gian tạm khóa báo có, chủ tài khoản vẫn được phép chuyển tiền/rút tiền bình thường. Ảnh: TL 

Tuy nhiên, một nhân viên ngân hàng lại có ý kiến trái chiều. Người này nói tạm khóa báo có tài khoản chỉ là hình thức tạm khóa 1 phần. Nghĩa là trong khoảng thời gian thực hiện tạm khóa theo yêu cầu của khách hàng, tài khoản sẽ không nhận được bất kì một khoản tiền nào chuyển về cho đến khi tài khoản được mở. Khoản tiền chuyển đến sẽ được treo tại một tài khoản trung gian và được hoàn về tài khoản người chuyển có thể trong ngày hoặc vài ngày tùy thuộc vào từng ngân hàng nếu chủ tài khoản không đồng ý nhận.

Trong trường hợp, chủ tài khoản đồng ý nhận thì có thể mở khoá ra để nhận. Khi ngân hàng quản lý tài khoản nhận được báo có tiền về cũng sẽ chủ động liên hệ với khách hàng để thông báo về các khoản tiền này.

Việc chấm dứt tạm khóa tài khoản thanh toán và việc xử lý các lệnh thanh toán đi, đến trong thời gian tạm khóa thực hiện theo yêu cầu của chủ tài khoản thanh toán hoặc theo văn bản thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong thời gian tạm khóa báo có, chủ tài khoản vẫn được phép chuyển tiền/rút tiền bình thường./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực