Người chưa thành niên có được tham gia giao dịch dân sự?

Thứ ba, 11/06/2024 16:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Bạn đọc Hoàng Thị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) có câu hỏi “Pháp luật quy định người chưa thành niên có được tham gia giao dịch dân sự không? Nếu có thì quy định cụ thể ra sao?"

Liên quan đến câu hỏi trên, Luật sư Trịnh Văn Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích:

Tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Còn tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

(Ảnh minh họa: Nguồn LuatVietnam.vn) 

Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp người thành niên mà bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người thành niên có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

Việc xác định người chưa thành niên hay thành niên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các giao dịch dân sự. Tùy vào từng độ tuổi của người chưa thành niên để xác định giao dịch dân sự của người chưa thành niên. Cụ thể:

(1) Giao dịch dân sự với người chưa đủ 6 tuổi:

Giao dịch dân sự của người chưa thành niên trong trường hợp này sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Trong đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân là con chưa thành niên là cha, mẹ.

Như vậy, giao dịch dân sự của người chưa thành niên dưới 6 tuổi sẽ do cha, mẹ của người này thực hiện. Tuy nhiên, nếu giao dịch đó được thực hiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó thì sẽ không bị vô hiệu theo quy định của khoản 2 Điều 125 Bộ luật Dân sự năm 2015.

(2) Giao dịch dân sự với người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi:

Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật trừ các loại giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi.

(3) Giao dịch dân sự với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi:

Với đối tượng này, người chưa thành niên từ đủ 15 – 18 tuổi có thể tự mình thực hiện, xác lập giao dịch dân sự trừ các loại giao dịch liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký và các loại giao dịch khác mà quy định của pháp luật yêu cầu người đại diện phải đồng ý.

Ngoài ra, khi thực hiện các giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực nêu tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

- Chủ thể có năng lực hành vi dân sự phải phù hợp với các loại giao dịch được xác lập;

- Việc tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện;

- Nội dung, mục đích của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Nếu hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của loại giao dịch mà người chưa thành niên thực hiện thì giao dịch dân sự này phải đáp ứng điều kiện đó.

(4) Hợp đồng, giao dịch đối với tài sản riêng của người chưa thành niên:

Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên, hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản riêng của người chưa thành niên cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Cha, mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con và phải được con ghi ý kiến đồng ý cho cha mẹ (hoặc người giám hộ) định đoạt vì lợi ích của con.

Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì có quyền định đoạt tài sản riêng và phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Luật sư Trịnh Văn Dũng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Ảnh: PV) 

Trong mối quan hệ với người được đại diện và người được giám hộ, cần đặc biệt lưu ý:

- Người đại diện không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

- Giao dịch dân sự đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ còn phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực