Người dân "hôi vàng" trong vụ cướp ở Huế có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Thứ hai, 01/08/2022 17:38
(ĐCSVN) - Nghi phạm Ngô Văn Quốc đối mặt 2 tội danh là cướp tài sản và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, còn người dân nhặt vàng nếu không hoàn trả có thể bị xử lý hình sự.

Khoảng 13h00 ngày 31/7, Ngô Văn Quốc (38 tuổi, quân hàm Đại úy, công tác tại trại giam Bình Điền, đóng ở xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi xe máy tới khu vực chợ Đông Ba, thành phố Huế, cầm súng AK xông vào tiệm vàng Hoàng Đức, bắn nhiều phát đạn vào các tủ kính rồi lấy vàng chạy ra ngoài và ném xuống đường.

Nghi phạm sau đó tiếp tục vào tiệm vàng Thái Lợi ở gần đó, lấy vàng rồi ném ra đường. Gây án xong, Quốc chạy về hướng cầu Gia Hội và cố thủ ở nhà Lục Giác gần sông Hương. Số vàng Quốc ném ra được nhiều người dân chạy lại nhặt. Sau khi đề nghị và được trao đổi trực tiếp với Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, nghi phạm hạ súng đầu hàng, được đưa về trụ sở công an để làm việc.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng. Hành vi của Quốc thể hiện sự manh động, làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội và gây nguy hiểm tới tính mạng của những người xung quanh.

 Các tủ kính tiệm vàng đầy lỗ đạn (Ảnh: Điền Quang)

Thông thường, những ai cướp tiệm vàng thường cố gắng che giấu thân phận, cố gắng cướp lượng lớn tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Tuy nhiên, Quốc lại mặc quân phục công an, cướp tiệm vàng rồi vứt ra đường để người khác nhặt.

“Có dấu hiệu bất thường, và cần trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nhận thức, năng lực điều khiển hành vi của người này ở thời điểm sự việc xảy ra”, luật sư Tuấn nhận định.

Trường hợp xác định Quốc có đầy đủ năng lực và khả năng điều khiển hành vi, hành động dùng súng cướp tiệm vàng của nghi phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù 3 - 10 năm. Trường hợp giá trị tài sản bị cướp từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, khung hình phạt sẽ là 7 - 15 năm tù.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng nghi phạm sử dụng để phạm tội có phải vũ khí quân dụng hay không. Nếu có căn cứ cho thấy đây là súng quân dụng, Quốc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt từ 1 - 7 năm tù.

Ngoài ra, nếu xác định chính xác Quốc là người đang công tác trong lực lượng vũ trang, nghi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật là tước danh hiệu công an nhân dân trước khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Tuấn, trong cấu thành tội Cướp tài sản, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không có mục đích chiếm đoạt, thì hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” không phải là tội cướp tài sản.

Tuy nhiên, mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” được hiểu theo nghĩa rộng, được hiểu là mong muốn ngăn cản, chiếm giữ, tước đoạt tạm thời hoặc vĩnh viễn quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người khác.

"Trong vụ việc trên, nghi phạm đã sử dụng súng bắn vỡ kính nơi để vàng, là hành vi sử dụng vũ lực. Thời điểm mang vàng ra khỏi quầy hàng, mục đích chiếm đoạt tài sản của Quốc đã thể hiện trên thực tế tức là tội cướp tài sản đã hoàn thành", luật sư Tuấn phân tích.

Do đó, hành động mang vàng ném ra đường sau đó của Quốc không làm ảnh hưởng hay mất đi mục đích chiếm đoạt của người phạm tội. Đây không phải yếu tố ảnh hướng đến việc xác định trách nhiệm hình sự của tội Cướp tài sản.

Đối với những người nhặt vàng của nghi phạm ném ra, sau khi cơ quan chức năng ra thông báo đề nghị mang trả lại tang vật để phục vụ điều tra vụ án, cần trả lại toàn bộ số tài sản này nhằm tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy đến.

Dưới góc độ hành chính, theo Điều 15 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, những người nhặt được vàng nếu không trả lại có thể bị xử phạt về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Mức xử phạt là phạt tiền 2 - 3 triệu đồng.

Trường hợp giá trị tài sản từ 10 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản hoặc Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo các Điều 176, 172 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, khung hình phạt 1-5 năm.

Thậm chí, những người mua lại số vàng đó cũng có thể bị xử lý về hành vi Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể, Điều 323 Mục 4 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu rõ, người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm nếu tài sản, vật phạm pháp trị giá 1 tỷ đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên.

“Người dân nếu "lỡ" lấy vàng nên mang đến cơ quan công an, nơi đang điều tra vụ án, trả lại để tránh những hệ luỵ xấu xảy ra. Không chỉ ở vụ án này, mà tất cả trường hợp khi nhặt được tài sản của người khác, không do mình sở hữu, đều phải giao nộp cho chính quyền địa phương. Lòng tham khi nhặt được tài sản do bỏ quên, đánh rơi hay như trong vụ án "hôi vàng" trên có thể phải trả giá bằng những chế tài của pháp luật", luật sư Tuấn khuyến cáo./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực