Nuôi, nhốt hổ trái phép có thể bị truy cứu hình sự

Thứ sáu, 06/08/2021 16:37
(ĐCSVN) - Theo Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Nghệ An, trong số 17 con hổ vừa được "giải cứu" tại 2 hộ nuôi, nhốt trái phép ở huyện Yên Thành, có 8 con bất ngờ chết chưa rõ nguyên nhân.

Hiện số hổ chết này đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.

Trước đó, rạng sáng ngày 4/8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cùng các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, phát hiện và thu giữ 17 cá thể hổ Đông Dương đang được nuôi nhốt trái phép trong nhà hai hộ dân tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Cụ thể, tại nhà vợ chồng Nguyễn Văn H ( sinh năm 1982) và Hồ Thị T ( sinh năm 1990) thu giữ 14 cá thể hổ, còn tại nhà bà Nguyễn Thị Đ  (sinh năm 1971) thu giữ 3 cá thể hổ.

 Số hổ nuôi, nhốt trái phép bị lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An thu giữ ngày 4/8. (Ảnh: Khánh Hoan)

Bước đầu, các đối tượng khai nhận đã mua những cá thể hổ này từ Lào khi còn nhỏ, đưa về nuôi trong nhà. Thời điểm bị thu giữ, các cá thể hổ có trọng lượng trung bình từ 200 - 260 kg mỗi con.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, cơ quan chức năng đã sử dụng thuốc gây mê để vận chuyển hổ đến Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ việc, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Hành vi nuôi, nhốt 17 cá thể hổ hoang dã của các hộ gia đình có đúng quy định của pháp luật hay không?

Trước hết, phải khẳng định hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ xếp số thứ tự 29 trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân mua bán, trao đổi, tặng cho, nuôi nhốt cá thể hổ hoang dã phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, cụ thể ở đây là UBND cấp tỉnh.

 Trong trường hợp, quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng các cơ sở nuôi, nhốt không xuất trình được giấy phép (tức là nuôi, nhốt chui) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, tại Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng tội danh “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Để thỏa mãn cấu thành định tội của tội danh này, người phạm tội phải có hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho hoặc nuôi, nhốt các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ.

Trong vụ việc này, các chủ cơ sở, hộ gia đình đã nuôi, nhốt 17 cá thể hổ trái phép, có thể bị xem xét theo điểm a, khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực