Ô tô “dính” phạt nguội đã sang tên và trách nhiệm hành chính?

Thứ năm, 13/06/2024 20:51
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - “Vừa qua tôi mang ô tô mua lại của người quen tới trung tâm đăng kiểm thì biết phương tiện chưa nộp phạt vi phạm giao thông. Xe hiện chính chủ tên tôi. Vậy tôi hay người bán phải đóng phạt, thủ tục ra sao?”, bạn đọc Đinh Quang Huy, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội hỏi.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Minh Phương (Công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết, pháp luật quy định ô tô là tài sản phải đăng ký quản lý. Sau khi lập hợp đồng mua bán có công chứng, người mua phải đến cơ quan cảnh sát giao thông để đăng ký sang tên. Tuy nhiên, nếu phương tiện có liên quan đến vi phạm giao thông của người bán thì người mua chưa thể hoàn tất việc mua bán, đăng ký và đăng kiểm.

Theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Chương I Thông tư 24/2023/TT-BCA thì tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chưa giải quyết đăng ký xe; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì được đăng ký xe theo quy định của Thông tư này.

Có thể Cảnh sát giao thông chưa tiến hành xong thủ tục xác minh thông tin người vi phạm, chưa hoàn tất quy trình về xử lý vi phạm giao thông theo quy định tại Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BCA ngày 06 tháng 4 năm 2022 nên bạn mới có thể đăng ký sang tên phương tiện.

Cụ thể, quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an cấp xã, Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện:

a) Cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định;

b) Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông vi phạm là xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng); đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính.

Thực tế có trường hợp mua xe cũ dính lỗi phạt nguội mà không biết hoặc kiểm tra trên hệ thống cũng không ra (Ảnh minh họa. Nguồn: tapchibonbanh.com)

Có thể thấy, mặc dù ngày càng được áp dụng và phổ biến rộng rãi song với nhiều người dân phạt nguội hiểu đơn giản là việc phương tiện vi phạm bị hệ thống camera lắp đặt trên đường phát hiện và gửi về trung tâm xử lý. Căn cứ pháp lý cho hình thức xử phạt này là Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.

Luật gia Phương phân tích, theo quy định tại Khoản 8 Điều 80 Mục 2 Chương IV Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), đối với hành vi vi phạm giao thông được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

a) Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân: nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

b) Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức: nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Nếu chứng minh được mình không phải người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm lỗi thì bạn sẽ không bị xử phạt. Bạn có thể giải trình, cung cấp các chứng cứ về thời điểm bạn nhận chuyển nhượng quyền sở hữu xe, cung cấp thông tin của chủ cũ xe hoặc yêu cầu chủ cũ xe làm việc với cơ quan chức năng.

Trường hợp không liên lạc được với chủ cũ của xe hoặc người này từ chối hợp tác dẫn đến bạn không đủ căn cứ chứng minh mình không phải người thực hiện hành vi vi phạm thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt. Việc không nộp phạt có thể dẫn đến việc đăng kiểm không được thực hiện, bạn sẽ tiếp tục bị áp dụng thêm mức phạt với lỗi quá thời hạn đăng kiểm.

Nếu có tranh chấp (bên bán không chịu đóng phạt) thì bạn có thể đóng thay để hoàn tất việc đăng ký, đăng kiểm, đưa phương tiện vào sử dụng, sau đó xem xét tiến hành các thủ tục khởi kiện tại tòa án (nơi bên bán cư trú) để đòi lại tiền phạt đã đóng; hoặc yêu cầu tòa án hủy hợp đồng mua bán, trả lại xe và nhận lại tiền.

"Từ thực tế trên, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu xe, người mua nên yêu cầu có điều khoản về việc bên bán cam kết xe không vi phạm giao thông trong quá trình sử dụng và phải chịu trách nhiệm nộp phạt, bồi thường thiệt hại cho bên mua nếu bên bán vi phạm cam kết này", luật gia Phương chia sẻ.

Đồng thời, khi mua lại xe cần chủ động kiểm tra, tra cứu thông tin phạt nguội trên website của Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải, tránh các phát sinh không đáng có.

Có thể nói, việc phạt nguội thời gian qua đã chứng minh được hiệu quả. Các hành vi vi phạm ở nhiều nơi, nhiều lúc diễn ra tinh vi, nhiều góc khuất nhưng với hệ thống camera được ví như ”mắt thần” đã góp phần đáng kể vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, thượng tôn pháp luật.

Vấn đề ở đây là không ít phương tiện vi phạm bị phạt nguội nhưng không nhận được thông báo ngay hoặc tra cứu lỗi vi phạm cũng không hiển thị trên hệ thống, chỉ đến khi đi đăng kiểm mới biết và phải đi đến các địa bàn khác nộp phạt, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện việc sử dụng công nghệ thông tin trong liên thông đóng phạt cũng như xử phạt. Các dữ liệu, thông tin của người dân đã cơ bản kết nối nên thủ tục, quy trình đòi hỏi gọn gàng, nhanh chóng và thuận tiện./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực