Ngày 24/11, thông tin từ giám thị trại giam Thủ Đức (Z30D, thuộc C10, Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cho biết đã bắt được phạm nhân Đinh Viết Dũng (57 tuổi, quê tỉnh Lâm Đồng) sau nửa tháng bỏ trốn. Đối tượng đang chấp hành án phạt 15 năm tù tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tháng 4 năm 2021, về hành vi dùng giấy phép khai thác khoáng sản giả để lừa một người góp vốn, chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.
Phạm nhân bị bắt khi đang lẩn trốn tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP HCM. Cùng ngày, công an đã dẫn giải Dũng về trại giam Z30D để điều tra hành vi trốn khỏi nơi giam giữ.
Trước đó, ngày 10/11, khi lao động trong khu sản xuất gần rừng, Dũng giả vờ xin cán bộ cho đi vệ sinh rồi bỏ trốn. Lúc đó phạm nhân cầm theo cây rựa (dao phát) và bình nước. Giám thị trại giam Thủ Đức đã ra quyết định truy nã ngay trong ngày.
Đại tá Đinh Bá Thụy, giám thị trại giam Thủ Đức cho biết đơn vị đã khẩn trương ra quyết định truy nã, đồng thời huy động hàng trăm cảnh sát phối hợp với công an các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai truy tìm. Quyết định truy nã nêu rõ, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đối tượng đến cơ quan công an, Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc Ủy ban Nhân dân nơi gần nhất, sau đó liên hệ với trại giam Thủ Đức.
Qua trích xuất camera và nguồn tin trinh sát, lực lượng truy bắt nhận định Dũng chưa xuất hiện tại các khu vực dân cư mà lẩn trốn trong khu vực rừng núi. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp nên công tác truy tìm gặp khó khăn. Cảnh sát lần theo dấu vết, truy lùng nhiều nơi thì phát hiện chỗ ông ta lẩn trốn.
|
Phạm nhân Đinh Viết Dũng bị bắt tại TP HCM sáng 24/11 (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)
|
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết trốn khỏi nơi giam, nơi giữ hoặc là bỏ trốn khi đang bị dẫn giải, xét xử là những hành vi gây nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội, an toàn của người dân. Bởi vì nó được thực hiện bởi những người đang chấp hành hình phạt, là những người mà có thể họ chưa có sự ăn năn hối cải với những hành vi phạm tội trước mà họ đã gây ra.
Sau khi củng cố hồ sơ, cơ quan chức năng có thể xử phạt phạm nhân Đinh Viết Dũng theo quy định tại Điều 386 Chương XXIV Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) với tội danh “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử” với khung hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Mục 2 Chương VIII Bộ luật Hình sự 2015, khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
Đáng chú ý, nếu có bằng chứng chứng minh tổ chức, cá nhân nào đó đã hỗ trợ, giúp đỡ phạm nhân Đinh Viết Dũng trong quá trình đối tượng này bỏ trốn thì tổ chức, cá nhân đó có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 389 Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội che giấu tội phạm với khung phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Luật sư Kỹ phân tích, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành điều tra, làm rõ trong quá trình bỏ trốn, phạm nhân Dũng có vi phạm pháp luật gì khác hay không, để xử lý theo quy định pháp luật.
Thậm chí, phải làm rõ quy định của pháp luật về trách nhiệm của từng vị trí quản lý, canh gác, áp giải… trong trại giam Thủ Đức để xác định có cán bộ nào phạm tội không, nếu có vi phạm phải xử lý thật nghiêm theo quy định tại Điều 376 Chương XXIV Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn.
Pháp luật quy định rõ ràng, đặc xá được thực hiện trong những sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của Việt Nam hoặc trong trong trường hợp đặc biệt; việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện thường xuyên và định kỳ 03 lần/năm vào các đợt Tết Nguyên đán, 30/4, và 02/9.
Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là "nghiêm trị" kết hợp với "khoan hồng." Vì vậy, hình phạt áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội, mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, ngăn ngừa họ không phạm tội mới.
“Phạm nhân đang chấp hành án phải tích cực thi đua học tập, lao động cải tạo, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để sớm đủ điều kiện đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng, tuyệt đối không được có suy nghĩ, toan tính bỏ trốn khỏi nơi giam giữ”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.