Trong xã hội hiện nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc… Hành vi đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội. Bạo lực giữa chồng đối với vợ được coi là dạng điển hình và nhận được sự quan tâm của xã hội. Có thể nêu ra một số vụ việc.
Ngày 21/5, công an huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã triệu tập Trần Văn Luân, 37 tuổi, trú tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành và mời chị Bùi Thị Tuyết Giao, 36 tuổi, quê ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, lên làm việc. Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin người phụ nữ mang thai 7 tháng phải trốn về quê mẹ đẻ tại huyện Hòn Đất (Kiên Giang), sau thời gian dài bị chồng bạo hành.
Công an Hải Dương cho biết chị Giao kết hôn với anh Luân từ tháng 4/2021 và sinh sống tại thôn Quỳnh Khê 2, xã Kim Xuyên. Hai người có một con chung và hiện chị Giao đang mang thai con thứ hai được 7 tháng.
Tại cơ quan công an, Luân khai nhận do nghi ngờ vợ ngoại tình nên đã đánh đập, bạo hành bằng cách dùng lược, thắt lưng da… vụt vào người chị Giao trong thời gian dài. Công an đang khẩn trương phối hợp tiến hành giám định tỉ lệ thương tích đối với chị Giao và tiếp tục làm việc với những người có liên quan để làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định.
|
Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tống đạt quyết định bắt tạm giam Nguyễn Tân để điều tra hành vi cố ý gây thương tích với vợ (Ảnh: Hải Định)
|
Trước đó, ngày 28/4, công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tân (53 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) về hành vi "Cố ý gây thương tích". Nạn nhân là C.Đ.B.P (32 tuổi), vợ của Tân, bị đánh gãy tay, tỉ lệ thương tích 12%.
Đối tượng cho biết chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống không giải quyết được mà đã đánh vợ dã man.
Như vậy, có thể nói chốn ẩn nấp trong gia đình không còn bình lặng vì sự xuất hiện ngày càng gia tăng của nạn bạo lực, để lại nhiều nỗi đau về cả vật chất lẫn tinh thần cho người vợ, trẻ em, những nạn nhân được coi là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp và nặng nề.
Mọi thứ đều có giới hạn, và khi người bị bạo lực không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, điều họ mong muốn nhất là được giải thoát khỏi mối quan hệ hôn nhân không hạnh phúc đó, được ly hôn và được pháp luật bảo vệ tối đa.
Dư luận thực sự phẫn nộ khi chứng kiến hình ảnh những vết thương do người chồng gây ra trong hai vụ việc kể trên. Câu hỏi đặt ra người vợ có thể được tòa án xử đơn phương ly hôn hay không, có được ưu tiên gì khi phân chia tài sản chung?
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, việc ly hôn có thể là đồng thuận (cả hai người đều đồng ý ly hôn) hoặc ly hôn theo yêu cầu của một bên (đơn phương ly hôn).
Trong trường hợp một bên yêu cầu ly hôn thì phải xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì tòa án sẽ giải quyết cho đơn phương ly hôn.
Một trong những căn cứ để cho thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng là xảy ra bạo lực gia đình kéo dài, đã được khuyên can, hòa giải của gia đình, bạn bè hoặc cơ quan, đoàn thể hoặc chính quyền địa phương nhưng hành vi đó vẫn diễn ra.
Điều 56 Mục 1 Chương IV Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (Số: 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2014) quy định: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì toà giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Mục 1 Chương IV Luật này thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Trong những vụ việc bạo hành nghiêm trọng, kéo dài, khi giải quyết ly hôn tòa án sẽ giải quyết vấn đề về quyền nuôi con và có thể giải quyết yêu cầu chia tài sản chung khi các bên không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung vợ chồng và đương sự có yêu cầu.
Đối với vấn đề chia tài sản chung, theo quy định tại Điều 33 Mục 3 Chương III Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng (trừ tài sản được thừa kế, tặng cho riêng).
Điều 59 Mục 1 Chương IV Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định sẽ chia đôi khối tài sản nhưng trên cơ sở nguyên tắc có tính đến nguồn gốc, công sức đóng góp, hoàn cảnh của mỗi bên và đặc biệt là có tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Đối với vụ việc có liên quan tới bạo lực gia đình, luật sư Tuấn nêu quan điểm, kể cả nạn nhân có hay không có đơn trình báo, tố giác, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc can thiệp, xác minh làm rõ thì cơ quan điều tra vẫn có thể tiến hành thụ lý tin báo, xác minh làm rõ để xử lý đối với người chồng theo quy định của pháp luật khi nhận được thông tin từ cơ quan công an, quản lý nhà nước chuyên ngành về phụ nữ, trẻ em…
Cơ quan công an cũng cần phải đảm bảo điều kiện an toàn cho nạn nhân trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra và giải quyết thủ tục ly hôn.
Điều 2 Chương I Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (Số: 02/2007/QH12, ngày 21 tháng 11 năm 2007) quy định về các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục…
Căn cứ Khoản 1 Điều 42 Chương V Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Vụ việc bạo hành, bạo lực gia đình diễn ra khiến nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đời sống, tâm lý, sức khỏe. Không chỉ có nạn nhân mà những người thân trong gia đình của họ cũng bị tổn thương. Bởi vậy, khi đưa thông tin hình ảnh về sự việc thì các cơ quan truyền thông cần cân nhắc trong việc sử dụng hình ảnh, mô tả diễn biến sự việc và việc khai thác thông tin riêng tư của nạn nhân”, luật sư Tuấn khuyến cáo./.