Tối 25/4, Cục Cảnh sát hình sự cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa triệt phá đường dây "mua bán bộ phận cơ thể người", đồng thời khởi tố, tạm giam hai đối tượng là Trương Thị Khuyến (SN 1966, ở Bắc Giang) và Trần Văn Hiệp (SN 1971, ở Hà Nội) để điều tra về hành vi "mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người" theo Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối tượng Hiệp (cư trú ở phường Quảng An, quận Tây Hồ) thường tìm kiếm những người môi giới để mua, bán bộ phận cơ thể người, đặc biệt là bán gan. Giúp đỡ Hiệp là Trương Thị Khuyến và một số đối tượng khác. Khuyến từng sống như vợ chồng với một người đàn ông tên N.V.B. (từng đi bán thận tại Hà Nội), và là người đã giới thiệu nhiều người bán gan, thận cho Hiệp.
Người mua gan phải trả cho Hiệp khoảng 1,2 tỷ đồng, trong khi đó người bán gan chỉ được trả 450 triệu đồng.
|
Hai đối tượng Khuyến và Hiệp tại cơ quan công an. (Ảnh: Đức Thắng) |
Ngoài việc trực tiếp đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Hiệp còn vào nhóm Facebook như: "Hội tư vấn, hiến và ghép thận Việt Nam", "Hội những người ghép thận"… để đăng thông tin liên quan đến việc mua bán thận. Khi tìm được đầu mối mua bán, Hiệp sẽ lên kế hoạch bố trí đưa đón.
Theo điều tra của Cục Cảnh sát hình sự, tổng chi phí ghép thận là 700 triệu đồng/ca; ca ghép gan từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/ca. Trong đó, Hiệp được hưởng lợi chênh lệnh từ 100 - 200 triệu đồng/người ghép; Khuyến được Hiệp trả công từ 20 - 30 triệu đồng.
Chính vì vậy đa phần là vì “lợi nhuận kếch xù” mà nhiều người đã tìm cách “lách luật” biến việc hiến, tặng nội tạng thành việc mua bán sinh lời… Tại bệnh viện ở một số thành phố lớn, có thể bắt gặp rất nhiều cò, mồi về việc mua bán nội tạng, thậm chí hình thành nhiều đường dây ngầm kết nối cung và cầu.
Câu hỏi đặt ra là hành vi mua bán nội tạng người bị xử phạt thế nào?
Theo luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hoạt động cấy ghép tạng được coi là hợp pháp, nhân đạo khi tuân thủ theo các quy định tại Điều 4 Luật hiến lấy ghép mô bộ phận cơ thể người. Đó là hoàn toàn tự nguyện, hoàn toàn vì mục đích nhân đạo chữa bệnh, cứu sống người bệnh, phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tuyệt đối không vì mục đích thương mại trục lợi.
Về mặt luật pháp, Khoản 3 Điều 4 Chương I Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (Số 75/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007) nêu rõ một trong những nguyên tắc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác không nhằm mục đích thương mại. Vì vậy, hành vi tự bán nội tạng của mình bị pháp luật nghiêm cấm. Mặc dù vậy nhưng hiện chưa thấy đưa ra chế tài rõ ràng cho hành vi này, do đó cơ sở pháp lý để xử lý người tự bán nội tạng của mình vẫn chưa cụ thể.
Thực tế, khi nhu cầu của người bệnh cần thay thế nội tạng ngày càng lớn sẽ phát sinh loại hình tội phạm dụ dỗ, lôi kéo những người bán nội tạng của mình với thỏa thuận nhận khoản tiền lớn. Khoản 3, Khoản 4, Khoản 8 Điều 11 Chương I Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định, các hành vi bị nghiêm cấm ở đây là mua bán bộ phận cơ thể người, mua bán xác, lấy ghép sử dụng mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại, quảng cáo, môi giới hiến bộ phận cơ thể vì mục đích thương mại.
Ngoài ra, các đối tượng có hành vi môi giới cho người khác bán nội tạng sẽ được xác định ở vai trò đồng phạm. Cụ thể, người nào giúp sức, người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm hoàn toàn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 154 Chương XIV Bộ Luật hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Cụ thể, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Vì mục đích thương mại; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Đối với 06 người trở lên; d) Gây chết người; đ) Tái phạm nguy hiểm.
Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo luật sư Tuấn, hiến tạng là một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể trao tặng cho ai đó. Đối với hàng ngàn người, sự sống hay cái chết đang phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân ái của người lạ. Các bộ phận có thể được cấy ghép là tim, thận, gan, phổi, tuyến tụy và tuyến ức. Mô cấy ghép được bao gồm xương, gân, giác mạc, da, van tim, dây thần kinh và mạch máu.
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.
Có thể dẫn chứng thêm vụ việc cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khám phá đường dây mua bán nội tạng người với giá “siêu khủng”. Nhóm đối tượng đã hưởng lợi bất chính từ 400 - 600 triệu đồng mỗi ca cắt ghép thận từ người này sang người khác. Trong khi đó, người bị cắt mất phần cơ thể chỉ được trả 260 triệu cho một lần phẫu thuật cắt bán, thậm chí có người bán thận nhưng đến nay chưa nhận được tiền của nhóm tội phạm này. Bên cạnh đó, một số những người do hoàn cảnh quá khó khăn hoặc bị lừa vào đường dây buôn bán tạng đã bán đi nội tạng của mình.
Do đó, để ngăn chặn có hiệu quả hành vi mua bán nội tạng người, các cơ quan chức năng cần xây dựng thêm nhiều mạng lưới điều phối về hiến ghép mô tạng áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, ngành y tế cần tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, trong đó có kỹ năng phát hiện và xử lý đối tượng đối với cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan công an nhằm phát hiện và xử lý dứt điểm sự việc có dấu hiệu mua bán nội tạng người.
“Quan trọng nhất là mỗi người dân cần nhìn nhận sâu sắc hơn và tuân thủ các quy định của pháp luật về vấn đề hiến tạng, ghép tạng”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.