Quy định pháp luật với hành vi trốn khỏi cơ sở cai nghiện?

Thứ ba, 18/04/2023 12:28
(ĐCSVN) - Đến 09h10 ngày 16/4, Công an Bình Dương đã tìm được 5 học viên và lực lượng chức năng đang tiếp tục truy tìm những người còn lại trong tổng số 9 học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện.

Sáng 16/4, đại diện Công an huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) cho biết, lực lượng chức năng đã tìm được được 5 trong số 9 học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Bình Dương (đóng tại ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo).

Trong số này, học viên Y Plem Teh (22 tuổi, quê Đắk Lắk) đã xin tiền người đi đường và cướp 1 chiếc điện thoại của bé trai 6 tuổi. Lực lượng công an sau đó đã bắt được Teh cùng tang vật và đưa về trụ sở để tiến hành xác minh làm rõ, đồng thời tiến hành truy tìm những học viên còn lại.

 Cơ sở cai nghiện nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: công an cung cấp)

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, số học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện trên đã có sự chuẩn bị rất kĩ và chuyên nghiệp. Có người từng vào đây 2-3 lần. Cơ sở này hiện tiếp nhận hơn 700 người. Tỉnh đang tiến hành xây dựng, mở rộng thêm cơ sở. Theo kế hoạch, cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động với sức chứa 1.500 học viên.

Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật quy định đối với người bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thì bị xử lý ra sao?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết công tác cai nghiện ma túy được thực hiện bằng 2 biện pháp bắt buộc và tự nguyện. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập; cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Theo đó cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Điều 31 Chương V Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (Luật số: 73/2021/QH14, ngày 30 tháng 3 năm 2021) nêu rõ việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy quy định cụ thể như sau:

Thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy khi hoàn thành ít nhất 03 giai đoạn quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 29 của Luật này được hỗ trợ kinh phí.

Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây: Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; Nộp chi phí liên quan đến cai nghiện ma túy theo quy định.

Trường hợp người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà có hoàn cảnh khó khăn được xét giảm hoặc miễn chi phí phải nộp. Đồng thời, cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện cho người cai nghiện ma túy.

“Trở lại vụ việc xảy ra tại tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã rất khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để truy tìm và bắt giữ các đối tượng bỏ trốn”, luật sư Tuấn phân tích.

Theo Khoản 2 và khoản 3 Điều 56 Mục 4 Chương V Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về việc truy tìm đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn như sau:

- Người đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm đối tượng. Cơ quan Công an cấp huyện nơi cơ sở cai nghiện đóng trụ sở có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cai nghiện bắt buộc trong việc truy tìm đối tượng để đưa người đó trở lại cơ sở.

- Trường hợp tìm được người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn nhưng không tự nguyện chấp hành việc trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc thì cơ quan Công an cấp huyện áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm tiếp tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo luật sư Tuấn, tại Khoản 2 Điều 71 Mục 5 Chương V Nghị định 116/2021/NĐ-CP (Số: 116/2021/NĐ-CP, ngày 21 tháng 12 năm 2021) quy định về chế độ khen thưởng, kỷ luật nêu rõ: Trong thời gian chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người cai nghiện có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy chưa đến mức bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau: Phê bình; Cảnh cáo; Đưa vào quản lý tại khu dành riêng đối với người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy.

Về hình thức xử phạt, căn cứ Khoản 1 Điều 14 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) quy định về hình thức xử phạt hành chính khi vi phạm các quy định về thi hành các biện pháp xử lý hành chính như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không thực hiện nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người được đặc xá; người chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật;

b) Vi phạm quy định về việc chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Bên cạnh đó, Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2022 hướng dẫn việc thành lập, giải thể; tổ chức hoạt động khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc; nội quy, quy chế; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành quản học viên; trang phục của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập có nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện tại cơ sở bao gồm: Trốn, tổ chức trốn khỏi cơ sở cai nghiện; chống đối, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người cai nghiện khác chống đối, gây rối an ninh, trật tự; không chấp hành nghiêm quyết định, mệnh lệnh, yêu cầu, hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở; vi phạm các quy định về chế độ quản lý, chế độ cai nghiện…

“Do đó, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước cần tập trung rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình nghiệp vụ, chuyên môn, đồng thời tuyên truyền, phổ biến để học viên ý thức được tầm quan trọng của cai nghiện, từ đó quyết tâm, nỗ lực để sớm hoàn thành thời gian, trở lại với gia đình và xã hội, làm một người có ích cho cộng đồng”,  luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực