Quy định về gia hạn giấy phép lao động tại Việt Nam

Thứ tư, 12/05/2021 17:07
(ĐCSVN) – Trước ý kiến của bạn đọc về nội dung liên quan đến thủ tục gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư để phân tích, làm rõ.

Anh Hoàng Văn Đức (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có gửi phản ánh tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đề nghị giải đáp việc công ty của anh có ký hợp đồng lao động với lao động là người nước ngoài (hiện đang làm việc tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), giấy phép lao động cấp cho người lao động nước ngoài trên sắp hết hạn. Vậy thủ tục gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong trường hợp này là làm việc tại tỉnh Quảng Ninh thì cần thủ tục nào? Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Tiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nội dung ý kiến của anh Hoàng Văn Đức được quy định cụ thể tại Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 06 tháng 5 năm 2021 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực việc làm thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ảnh minh họa: TTXVN

Mục B, Khoản I, Phần II, Quyết định số 526/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 06 tháng 5 năm 2021: Thủ tục hành chính cấp tỉnh.

1. Tên thủ tục: “Gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam”

 1.1. Trình tự thực hiện:

 - Bước 1: Trước ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày giấy phép lao động hết hạn, người nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động nộp hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

 - Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gia hạn giấy phép lao động. Trường hợp không gia hạn giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

 Đối với người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được gia hạn giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động.

 Người sử dụng lao động phải gửi hợp đồng lao động đã ký kết theo yêu cầu tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hợp đồng lao động là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực.

 1.2. Cách thức thực hiện: Người nộp hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (nếu có) tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

 1.3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

 * Thành phần hồ sơ:

 1. Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động theo mẫu số 11/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

 2. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

 3. Giấy phép lao động còn thời hạn đã được cấp:

 4. Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;

 5. Bản sao chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật;

 6. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền cấp của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

 7. Một trong các giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động theo nội dung giấy phép lao động đã được cấp như sau:

 - Đối với người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng liên tục.

 - Đối với người lao động nước ngoài thực hiện các loại hợp đồng hoặc thoả thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế phải có hợp đồng hoặc thoả thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài, trong đó phải có thoả thuận về việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

 - Đối với người lao động nước ngoài là nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng phải có hợp đồng cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được ít nhất 02 năm.

 - Đối với người lao động nước ngoài chào bán dịch vụ phải có văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

 - Đối với người lao động nước ngoài làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có văn bản của cơ quan, tổ chức cử người lao động nước ngoài đến làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam trừ trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động và giấy phép hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

 - Đối với người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật thì phải có văn bản của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam và phù hợp với vị trí dự kiến làm việc.

 8. Giấy tờ quy định tại các điểm 3, 4, 6 và 7 nêu trên là 01 bản gốc hoặc bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự và phải dịch ra tiếng Việt trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật.

 1.4. Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định.

 “Trong trường hợp cần được hỗ trợ, giải đáp cụ thể, anh Hoàng Văn Đức có thể liên hệ trực tiếp cơ quan chuyên môn phụ trách lĩnh vực này thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh để được hướng dẫn theo đúng quy định của pháp luật. Việc này sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như của công ty trong quá trình sản xuất, kinh doanh” – Luật sư Đoàn Văn Tiến phân tích thêm./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực