Quy trình thanh lý phương tiện giao thông hết hạn tạm giữ hành chính?

Thứ hai, 18/03/2024 10:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Bạn Hà Văn Thịnh (Thái Bình) có câu hỏi: Hiện nay, rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông bị tạm giữ phương tiện và không đến nhận lại phương tiện giao thông bị tạm giữ. Vậy, trình tự thanh lý phương tiện giao thông bị tạm giữ được pháp luật quy định ra sao? Các bước thanh lý phương tiện giao thông bị tạm giữ gồm những thủ tục gì?...
 Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính. (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, việc tạm giữ phương tiện được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) mục đích để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Căn cứ Khoản 4, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); căn cứ Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Theo đó, trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo Điều 106 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017, thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Đồng thời, việc bán tài sản tịch thu sẽ được thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản. Quy trình trước khi bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 57/2018/TT-BTC và quy trình đấu giá tài sản quy định tại Điều 55 đến Điều 63 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có thời gian xử lý phương tiện bị tịch thu thì thời hạn có thể đấu giá, thanh lý phương tiện phải mất 18 tháng.

“Điều 12. Tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản

3. Đối với tài sản xử lý theo hình thức bán đấu giá:

a) Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, việc tổ chức đấu giá được thực hiện như sau:

- Đơn vị chủ trì quản lý tài sản ký hợp đồng đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản (trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu tài sản) theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

- Giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính là giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.

 (Ảnh minh họa)

Trong các trường hợp sau đây phải thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi chuyển giao để đấu giá chưa được xác định giá trị; thời điểm dự kiến tổ chức đấu giá vượt quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; giá trị tang vật đã được xác định theo quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 10% trở lên so với giá của tài sản cùng loại theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm chuyển giao để đấu giá.

Thành phần Hội đồng, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xác định giá khởi điểm để đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Thông tư 144/2017/TT-BTC ).

- Việc thanh toán tiền, xuất hóa đơn bán tài sản công và bàn giao tài sản cho người mua được thực hiện theo quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công  (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ).

- Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.”

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực