Sản xuất, buôn bán hàng giả bị phạt tới 15 năm tù

Thứ ba, 05/04/2022 11:09
(ĐCSVN) - Trước thông tin Công an TP.HCM phát hiện cơ sở sản xuất ống nhựa giả thương hiệu B.M với quy mô lớn tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), dư luận đề nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Điều đáng nói là cơ sở sản xuất ống nhựa giả bị phát hiện là đại lý cấp 1 của công ty nhựa Bình Minh gần 20 năm nay. Việc cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất ống nhựa giả được dư luận đánh giá cao. 

Tang vật liên quan đến vụ án. (Nguồn: tuoitre.vn).

Theo đó, quá trình nắm bắt thông tin địa bàn, từ cuối tháng 11/2021, cơ quan điều tra phát hiện xe tải do tài xế Nguyễn Quốc Phong (ngụ Q.Phú Nhuận) đang chở hàng trăm ống nhựa hiệu Bình Minh từ kho và xưởng in thuộc địa bàn huyện Bình Chánh đi ra. Nghi ngờ số ống nhựa trên là hàng giả, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra xưởng sản xuất trên thì phát hiện các công nhân đang cho in các ống nhựa hiệu Bình Minh nên thu giữ gần 6 ngàn ống nhựa giả hiệu Bình Minh các loại.

 Tài xế Phong khai nhận chỉ chở thuê số hàng trên cho công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ kỹ thuật nhựa Minh Hiếu (do bà Đoàn Kim Ngân Hà, 40 tuổi đứng tên).

 Mở rộng kiểm tra tại các xưởng và kho hàng tại Tân Kiên, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và công ty TNHH TM DV Sáu Ẩn (phường 14, Tô Hiến Thành, quận 10) cơ quan chức năng thu giữ thêm hàng chục ngàn ống nhựa giả Bình Minh các loại.

 Bước đầu xác định công ty Minh Hiếu thành lập từ tháng 6/2015 đăng ký sản xuất ống nhựa các loại tại xã Tân Kiên (Bình Chánh). Tuy nhiên hàng sản xuất được chuyển về Vĩnh Lộc B để in ấn giả nhãn hiệu Bình Minh. Sau đó, hàng thành phẩm chuyển ngược về Tân Kiên để tiêu thụ cho các đại lý con trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong cả nước.

 Đại diện của công ty cổ phần nhựa Bình Minh khẳng định số hàng ống nước nhựa hiệu “Bình Minh” thu giữ của công ty Minh Hiếu và kho hàng của công ty Sáu Ẩn không phải là hàng của công ty Bình Minh sản xuất. Ước tính số hàng trên trị giá hơn 2 tỉ đồng.

 Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc cơ quan chức năng kịp thời triệt phá đường dây làm ống nhựa giả này đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng, cũng như góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường sản xuất kinh doanh. Với những hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý đối tượng vi phạm về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Hành vi này, ngoài việc bị xử phạt hành chính, đối tượng có thể đối diện với tội hình sự. Tùy theo mức độ sai phạm, mức phạt tù từ 01 đến 15 năm tù (Điều 192, mục 1, chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Cụ thể như sau:

 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

 c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

 d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 g) Làm chết người;

 h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

 l) Buôn bán qua biên giới;

 m) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

 c) Làm chết 02 người trở lên;

 d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

 đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

 a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

 b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

 c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

 d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

 đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

 Việc sản xuất hàng giả là vi phạm pháp luật, do đó, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do hành vi mình gây ra. Như vậy, với hành vi sai phạm như trên chủ cơ sở có thể sẽ phải đối diện với khung hình phạt lên tới 15 năm tù. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, việc triệt phá vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe đối với các đối tượng có ý định vi phạm” – luật sư Hoàng Dương cho biết thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực