Ngày 4/1, công an thành phố Hà Nội cho biết đã khởi tố, tạm giam 3 bị can gồm Nguyễn Tiến Đạt (30 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), Phan Thành Long (24 tuổi) và Đinh Văn Thịnh (31 tuổi) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".
Theo hồ sơ, qua quá trình trinh sát, đơn vị phát hiện đối tượng Đạt thuê nhiều địa điểm thuộc địa bàn huyện Quốc Oai và Thạch Thất để sản xuất, buôn bán số lượng lớn các loại sách không có nguồn gốc xuất xứ.
Cuối tháng 12/2022, các tổ công tác của Phòng An ninh chính trị nội bộ, An ninh điều tra phối hợp với công an các huyện Thạch Thất, Quốc Oai và công an các xã trên địa bàn đồng loạt ra quân kiểm tra 8 kho xưởng liên quan đến việc in ấn, kinh doanh sách giả của các đối tượng, thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn cùng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật in ấn, cắt…
|
Bên trong một kho xưởng liên quan đến việc in ấn, kinh doanh sách giả (Ảnh: cơ quan công an cung cấp) |
Bước đầu xác định sản phẩm do Đạt rao bán đều là sách giả, không phải của các nhà xuất bản in ấn, phát hành. Chúng sử dụng ô tô vận chuyển từ xưởng photocopy in ấn đến các kho sách.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết thực trạng văn hóa đọc và nhu cầu mua các loại sách (giáo khoa, chuyên khảo, sách "phiên bản"- những cuốn quý hiếm được in tại Sài Gòn từ trước năm 1975, hoặc những cuốn mà nhà xuất bản không tái bản trên thị trường nữa do nhu cầu ít…) đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có “sách lậu”.
Thị trường ngầm này mang lại lợi nhuận cực khủng cho các đối tượng chuyên "bán giấy ăn tiền". Với nhà xuất bản, muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu như đàm phán bản quyền, dịch sách, hiệu đính, xin giấy phép, biên tập, chế bản... song với sách lậu thì chỉ là tiền giấy và công in (thường chiếm 10 - 20% giá bìa).
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, sách được bán trực tuyến nhiều so với bán trực tiếp tại các nhà sách hay trung tâm thương mại. Hình ảnh sản phẩm rao bán được chụp từ sản phẩm “thật”, nhưng “thật” hay “giả” thì chỉ đến khi nhận hàng, người tiêu dùng mới biết được.
Hoạt động in lậu, in giả, in nối bản sách trái phép diễn ra với quy mô lớn, có tính chất ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, hiện trong số các sản phẩm làm giả, làm nhái có cả ấn phẩm phục vụ dạy học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ - tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục…
Nếu như cách đây 15 - 20 năm, công nghệ sản xuất sách lậu còn khá thủ công, lạc hậu thì nay đã tiến bộ "vượt bậc". Trước kia, muốn ra một cuốn sách thì ngoài máy in, đầu nậu phải có chế bản điện tử hoặc bản in phim... Muốn có chế bản điện tử thì thường phải dùng máy scan, hoặc dùng phần mềm chuyển đổi lại bản chụp các trang sách; công phu hơn thì gõ lại bằng tay. Do công nghệ còn lạc hậu nên sách in lậu trước đây thường bị nhòe, mờ; nhìn kỹ thấy có răng cưa ở chữ... Hiện nay, máy scan độ nét siêu hạng dễ dàng cho ra các bản in đạt cỡ “một 9,5 một 10” so với bản in thật.
Mặc dù công nghệ sản xuất sách giả, sách lậu đã rất hiện đại, song để tránh bị phát hiện, đầu nậu thường tách các công đoạn chế bản, in ruột, làm bìa, đóng sách thành nhiều khâu riêng biệt. Và kho hàng cũng ở một địa điểm bí mật, không ai biết ngoài chủ xưởng. Từ đó, sách giả, sách in nối bản cứ thế "ngang nhiên" xâm nhập thị trường.
Luật sư Tuấn phân tích, thực trạng trên làm mất “uy tín” của đơn vị sản xuất sản phẩm (ghi trên bìa sản phẩm) và trực tiếp ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà xuất bản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc xử lý vi phạm về sản xuất, in ấn, tiêu thụ sách giả đã được quy định trong Luật Bản quyền, Luật Xuất bản Việt Nam, Công ước Berne, Luật Hình sự... Tuy nhiên, các chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe, đa phần vẫn là phạt vi phạm hành chính.
Về xử lý hành chính, theo luật sư Tuấn, sau khi củng cố hồ sơ, lực lượng chức năng có thể xem xét xử lý nhóm đối tượng theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Theo đó, Khoản 7 Điều 28 Chương III nêu rõ phạt tiền từ 140 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) In từ 1.000 đến dưới 2.000 bản thành phẩm hoặc bán thành phẩm nhưng không có quyết định xuất bản và không có bản thảo được duyệt đối với từng tên xuất bản phẩm;
b) In xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy có số lượng dưới 500 bản hoặc thành phẩm, bán thành phẩm đối với từng tên xuất bản phẩm.
Tiếp đó, Khoản 6 Điều 29 Chương III nhấn mạnh phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng nếu tàng trữ hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy có số lượng từ 300 đến dưới 500 bản đối với từng tên xuất bản phẩm.
Với những vụ việc có tính chất phức tạp, quy mô lớn, có thể xem xét xử lý hình sự. Cụ thể, Khoản 2 Điều 192 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp… thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Thậm chí, nếu có đủ bằng chứng chứng minh nhóm đối tượng trên đã thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt tù sẽ là từ 07 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng.
“Thời gian tới, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” luật sư Tuấn nhấn mạnh./.