Sử dụng đất sai mục đích xử lý thế nào?

Thứ ba, 04/01/2022 16:45
(ĐCSVN) – Được chính quyền cho thuê đất để sản xuất kinh doanh, nhưng tổ chức cá nhân không nghiêm túc thực hiện, lại có hành vi sử dụng đất sai mục đích như phân lô, bán nền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? Ngoài xử phạt hành chính, đối tượng vi phạm có bị xử lý hình sự hay không?

Trên đây là một số ý kiến bạn đọc gửi tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trước thông tin về việc, mới đây, Công an TP Đà Nẵng vừa thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Vinh (67 tuổi, trú Liên Chiểu, Đà Nẵng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Vinh và vợ là Nguyễn Thị Thùy Hương, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân dệt Đa Phước (DNTN dệt Đa Phước), được thành phố Đà Nẵng cho thuê đất để sản xuất kinh doanh nhưng sử dụng đất sai mục đích. Trong đó, ông Vinh tự phân lô, gian dối là đất tự khai hoang để lừa chuyển nhượng cho 10 cá nhân, chiếm đoạt hơn 1,6 tỉ đồng. Hành vi sai phạm này sẽ chịu trách nhiệm ra sao? Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ đối diện với mức án nào?

Đối tượng Nguyễn Hữu Vinh (67 tuổi, trú Liên Chiểu, Đà Nẵng) làm việc

với cơ quan điều tra để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(Nguồn: tuoitre.vn). 

Trước đó, năm 2002, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) dệt Đa Phước của ông Vinh được UBND TP.Đà Nẵng cho thuê 2.375 m2 đất tại P.Hòa Khánh Bắc thời hạn 20 năm (2002 - 2022), theo diện trả tiền hàng năm, với mục đích sản xuất kinh doanh lụa tơ tằm.

 Dù chưa hết thời gian thuê, dệt Đa Phước đã ngừng sản xuất kinh doanh, sử dụng đất sai mục đích, cụ thể là tự chia lô, đưa thông tin gian dối là đất tự khai hoang để chuyển nhượng một số thửa đất cho 10 cá nhân, chiếm đoạt hơn 1,6 tỉ đồng.

 Cơ quan chức năng xác định việc ông Vinh thuê đất Nhà nước, với mục đích sản xuất kinh doanh nhưng phân lô bán cho người dân, không được UBND TP.Đà Nẵng cho phép, là trái quy định pháp luật; DNTN dệt Đa Phước có dấu hiệu vi phạm luật Đất đai, luật Quy hoạch, luật Kinh doanh bất động sản.

 Quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 phát hiện dấu hiệu vi phạm tại doanh nghiệp Đa Phước. Việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở và phân lô bán không được sự đồng ý, cho phép của UBND thành phố là trái quy định.

Về nội dung này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương cho rằng, từ quá trình kiểm tra, làm rõ từ cơ quan chức năng nêu trên thì hành vi vi phạm của đối tượng Nguyễn Hữu Vinh cơ bản đủ cơ sở để xem xét xử lý về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ở đây là việc dụ dỗ, lừa đảo người khác mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng với đất không đúng quy định, chưa được chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về lĩnh vực tài nguyên môi trường đồng ý cho phép thực hiện. Trường hợp vi phạm này, theo quy định của pháp luật, đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng. Khi đủ căn cứ xử lý hình sự có thể đối diện mức phạt tù thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; cao nhất là chung thân (quy định tại điều 174, chương XVI, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:

 Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 d) Tái phạm nguy hiểm;

 đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 g) (được bãi bỏ)

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 b) (được bãi bỏ)

 c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) (được bãi bỏ)

 c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 “Như vậy, cơ sở để đủ căn cứ xử lý đối tượng vi phạm pháp luật trong trường hợp này đã rõ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ trên các văn bản pháp lý liên quan hoặc các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng, các yếu tố khách quan, chủ quan… để có thể đưa ra căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó, khi nhận thông báo từ cơ quan chức năng, người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần liên hệ và nhanh chóng làm việc vừa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp; vừa hỗ trợ cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm của đối tượng liên quan để có hướng xử lý” – luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực