Sử dụng hồ sơ giả, “chen chân” tiêm vắc xin đối diện mức án nào?

Thứ năm, 02/09/2021 18:42
(ĐCSVN) - Từ việc phát hiện một số trường hợp sử dụng hồ sơ giả để đi tiêm vắc xin, Công an Bình Dương đã tạm giữ hình sự hai đối tượng liên quan đến đường dây làm giả giấy tờ để bán cho người có nhu cầu...

Người dân cần nắm rõ quy định về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi, lừa đảo. (Ảnh minh họa: V.L)

Nhóm đối tượng ban đầu được xác định gồm” Phan Quốc Phong (29 tuổi), Huỳnh Châu Hồng Ngọc (39 tuổi) và Vũ Thị An (34 tuổi) đang sinh sống trên địa bàn TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

 Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, ngày 29/8, lực lượng Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương phát hiện một số bộ hồ sơ tiêm vắc xin tại phường Tân Bình, TP Dĩ An có dấu hiệu làm giả, trong đó, đối tượng Vũ Thị An (34 tuổi, ngụ trên địa bàn TP Dĩ An) mua bốn bộ hồ sơ để tiêm vắc xin từ Phong với giá 3 triệu đồng. Sau đó, đối tượng Vũ Thị An đưa số hồ sơ này cho một số người quen biết (không thuộc đối tượng tiêm vắc xin) để đi tiêm vắc xin và bị cơ quan công an phát hiện. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn xác định thêm, đối tượng Vũ Thị An còn mua 5 giấy đi đường giả từ Phong với số tiền 1,3 triệu đồng.

 Làm việc với cơ quan chức năng, Phan Quốc Phong khai nhận Huỳnh Châu Hồng Ngọc chính là người làm giả giấy tờ rồi đưa cho mình đem bán. Qua xác minh các đối tượng Phan Quốc Phong, Huỳnh Châu Hồng Ngọc đã thừa nhận hành vi của mình, đã phối hợp làm giả, bán ra thị trường tổng cộng sáu bộ hồ sơ tiêm vắc xin và 5 giấy đi đường.

 Như vậy, hành vi của nhóm đối tượng này vi phạm quy định tại điều khoản nào? Mức xử lý áp dụng ra sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội đề phân tích, giải đáp.

 Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Đặng Văn Tiến, hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này là vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống dịch. Biểu hiện sự vi phạm pháp luật ở đây là việc làm ảnh hưởng tới tâm lý người dân, gây hoang mang, bất bình trong dư luật tại thời điểm cả xã hội đang căng mình để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm. Rõ ràng, hành vi của nhóm đối tượng này đủ cơ sở để xem xét xử lý về tội “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

 Phân tích thêm cho thấy, hành vi sử dụng con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức được hiểu là các hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu giả để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như bán lại cho người khác, giao nộp tài liệu giả cho cơ quan chức năng… Người phạm tội đã thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng giấy tờ giả vào mục đích vi phạm pháp luật, xâm phạm tới trật tự quản lý hành chính, uy tín của tổ cơ quan nhà nước, của tổ chức, cá nhân khác với mục đích là nhằm lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân khác.

 Đối chiếu quy định của pháp luật, trường hợp đủ cơ sở để xác định phạm tội, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng; trường hợp xử lý hình sự sẽ đối diện với mức phạt tù tối đa 07 năm. (quy định cụ thể tại Điều 341, Chương XXII, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức). Cụ thể như sau:

 Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

 d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

 đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

 b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 “Tỉnh Bình Dương đang là “điểm nóng” chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, cả hệ thống chính trị đang căng mình từng phút, từng giờ để chống đỡ, do đó hành vi giả mạo giấy tờ để tiêm vắc xin của nhóm đối tượng trên cần phải bị xử lý thích đáng. Đồng thời, để tránh tiếp tay cho những đối tượng xấu, lợi dụng lòng tin để trục lợi, mỗi công dân không nên vì lợi ích bản thân tiếp tay mua bán, sử dụng giấy tờ, hồ sơ giả để tiêm vắc xin. Trường hợp phát kiện cần kịp thời báo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý", luật sư Đặng Văn Tiến phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực