Khoảng 16h30 ngày 9/8, quá trình đặt thuốc nổ vào các lỗ khoan để phá đá trong hầm công trình thủy điện Nậm Cấu đã xảy ra tai nạn do mìn phát nổ đột ngột. Hậu quả, ông C.Z. (55 tuổi, quê tỉnh Triết Giang, Trung Quốc) tử vong, còn anh Trương Đăng H. (34 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) bị thương nặng, được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Kết quả điều tra ban đầu xác định, dự án thủy điện Nậm Cấu do công ty năng lượng Bảo Khang (trụ sở tại tỉnh Lai Châu) làm chủ đầu tư. Gói thầu nơi xảy ra vụ việc là hầm số 3 do Công ty TNHH Duy Thành (trụ sở tại Hà Nội) thi công; thầu phụ là Công ty Việt Trung Lê Thanh (địa chỉ tại tỉnh Lai Châu).
Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra xác định, trong quá trình thi công, Công ty Duy Thành không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, vi phạm quy định về quản lý vật liệu nổ dẫn đến hậu quả chết người.
|
Khu vực xảy ra vụ nổ mìn gây chết người (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Trong những người bị triệu tập, có chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn tại công trường cùng nhiều người có liên quan để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Ngày 12/8, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ" xảy ra tại công trường thi công hầm thủy điện Nậm Cấu.
Nhiều bạn đọc muốn biết quy chuẩn nổ mìn khi thi công công trình ngầm như thế nào, nếu xảy ra tình huống nguy hiểm, mất an toàn lao động, xảy ra tai nạn… thì chế tài xử lý thế nào?
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết tại Tiết 2.8.6 Tiểu mục 2.8 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2021 quy chuẩn nổ mìn khi thi công công trình ngầm trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
Việc nổ mìn phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các QCVN có liên quan và các quy định kỹ thuật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền về sử dụng chất nổ, thiết bị nổ.
Không được lắp đặt các mạch điện khác ở cùng phía của đường hầm nơi đặt mạch điện để kích nổ.
Trước khi nổ mìn, phải ngắt tất cả mạch điện trong vùng nguy hiểm (khu vực chịu tác động của vụ nổ) trừ mạch điện kích nổ.
Chỉ được sử dụng loại đèn pin phù hợp trong thời gian nạp thuốc nổ hoặc vật liệu nổ.
Sau khi nổ mìn, phải kiểm tra và dọn dẹp sạch sẽ đất đá rơi vãi và các phế thải khác.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Chương I Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (Luật số: 14/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017), sửa đổi, bổ sung năm 2019, nghiêm cấm giao vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
Tiếp đó, Điểm d Khoản 2 Điều 41 Chương III Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 nêu rõ tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập thiết kế, phương án nổ mìn phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội nơi nổ mìn.
Trong thiết kế, phương án nổ mìn phải quy định cụ thể các biện pháp an toàn, bảo vệ, canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; thủ tục bảo quản và thủ tục giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn và nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thiết kế hoặc phương án nổ mìn phải được cơ quan cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phê duyệt và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý khi nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
Về chế tài xử phạt, luật sư Tuấn cho rằng, ngoài việc có thể bị xem xét đề nghị mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm căn cứ Khoản 6 Điều 307 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015./.