Sửa phiếu xét nghiệm để thông chốt kiểm dịch sẽ bị xử lý thế nào?

Thứ tư, 22/09/2021 17:59
(ĐCSVN) - Cố tình thông chốt kiểm soát dịch bệnh khi không có đủ giấy tờ xét nghiệm hợp lệ, tài xế và người đi cùng trên xe tải “luồng xanh” có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi vi phạm.

Ngày 18/9, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cầu Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phát hiện tài xế xe tải BKS 61C-435.17 sử dụng giấy xét nghiệm âm tính có dấu hiệu bị chỉnh sửa di chuyển từ hướng TP Hồ Chí Minh sang địa phận tỉnh Bình Dương.

leftcenterrightdel

Phiếu xét nghiệm test nhanh virus SARS-CoV2 âm tính bị tài xế Chiệu chỉnh sửa. (Ảnh: Phạm Tuyền)

Làm việc với lực lượng chức năng, tài xế Nguyễn Văn Chiệu (SN 1976, địa chỉ tại xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) thừa nhận đã sửa ngày trên giấy test nhanh COVID- 19 từ 21/8/2021 thành 17/9/2021, trong khi người đi cùng xe là Nguyễn Thọ Vĩnh Hưng (SN 1980, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) cũng không có giấy đi đường theo quy định.

Đáng chú ý, hai người này cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV2 khi tiến hành test nhanh nên ngay sau đó được bàn giao cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Theo khai nhận bước đầu, hai đối tượng đi từ ấp Kiến An, xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương để đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, thành phố HCM lấy hàng là rau củ quả về Bình Dương giao. Lực lượng tại chốt kiểm soát đã bàn giao vụ việc cho Công an phường Phú Cường (nơi đặt chốt kiểm soát) để tiếp tục xử lý.

Hiện Bình Dương vẫn là điểm nóng về COVID-19 với tỉ lệ ca mắc trên tổng dân số cao nhất nước nên người dân vẫn chưa được tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh dù một số huyện/thị đã trở thành vùng xanh và nới lỏng một phần quy định giãn cách.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát làm việc với tài xế Nguyễn Văn Chiệu. (Ảnh: Phạm Tuyền)

Trao đổi với Báo điện tử ĐCSVN, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh, nhận định ông Chiệu và ông Hưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi vi phạm.

Theo đó, hành vi sửa phiếu xét nghiệm để thông chốt có thể coi là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hành vi này có thể bị xử phạt theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020 ngày 28/9/2020 của Chính phủ về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với mức phạt 5-10 triệu đồng.

Cũng theo Luật sư Kỹ, hai đối tượng trên còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sửa phiếu xét nghiệm để thông chốt kiểm dịch nếu hành vi này dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người”. Cụ thể, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm, đồng thời có thể bị phạt bổ sung 50-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bên cạnh đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi làm giả, sử dụng giấy xét nghiệm giả mạo còn có thể bị xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực