Ngày 23/11, Trung tá Nguyễn Hữu Chí, Phó trưởng Công an huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can để điều tra về hành vi "buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm". Theo đó, đầu năm 2023, Công an huyện phát hiện nhóm nghi phạm buôn bán pháo nổ trên các nền tảng mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn tinh vi trên địa bàn Hà Tĩnh và các địa phương khác trên cả nước với số lượng lớn.
Công an Lộc Hà đã xác lập chuyên án đấu tranh làm rõ, bước đầu xác định đường dây buôn bán pháo nổ trái phép hoạt động từ tháng 7/2022 đến nay do Nguyễn Tuấn Anh (26 tuổi), Trần Quốc Phương, cùng ngụ tại huyện Đức Linh, Bình Thuận) và Võ Ngọc Sang (ngụ huyện Tuy Phong, Bình Thuận) cầm đầu.
|
Lực lượng chức năng huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh thống kê, phân loại tang vật thu giữ được trong vụ án (Ảnh: Quyết Lê) |
Lực lượng công an đã bắt giữ 3 nghi phạm kể trên, khám xét khẩn cấp chỗ ở của các nghi phạm thu giữ 600kg pháo nổ, 3 xe máy và 5 điện thoại di động cùng một số tang vật liên quan. Tiếp tục điều tra mở rộng, Công an huyện Lộc Hà phối hợp với công an nhiều tỉnh thành khác khám xét chỗ ở của 11 nghi phạm, thu giữ thêm gần 3 tấn pháo nổ các loại.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An ngày 20/11 cho biết vừa chủ trì, phối hợp với lực lượng của các đơn vị triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ với số lượng lớn do Võ Văn Pháp (32 tuổi) trú tại xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc cầm đầu, bắt giữ thành công 5 đối tượng.
Theo hồ sơ, đối tượng Pháp cấu kết với một số người địa phương đang làm ăn ở nước ngoài để đặt số lượng pháo lớn vận chuyển bằng đường tiểu ngạch về tập kết trên địa bàn, sau đó cất giấu tại nhà Nguyễn Tứ Mỹ, trú tại xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, chờ thời điểm phù hợp sẽ tung ra thị trường. Ngoài ra, Pháp còn bán pháo nổ cho các đại lý lẻ quanh khu vực sinh sống.
Ngoài Võ Văn Pháp, 4 đối tượng còn lại bị bắt giữ gồm: Nguyễn Tứ Mỹ, trú tại xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc; Nguyễn Đình Tuấn, Nguyễn Thị Luyến và Nguyễn Đình Lĩnh cùng trú tại xóm Thượng Thọ, xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc. Tang vật thu giữ gồm 420 kg pháo nổ các loại, 1 xe ô tô, 5 điện thoại di động cùng nhiều vật chứng liên quan. Hiện Công an tỉnh Nghệ An đang đấu tranh mở rộng chuyên án.
Về mặt pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐSCVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, mỗi dịp cuối năm Tết đến xuân về, trên nhiều địa bàn cả nước, tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép thường có những diễn biến phức tạp. Sau khi hoàn thành điều tra, xác minh củng cố hồ sơ vụ án, lực lượng chức năng có thể xem xét xử lý các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nói trên theo quy định hiện hành, cụ thể như sau:
Về xử phạt hành chính
Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo…
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ; Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm…
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo…
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; Mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Về xử lý hình sự
Theo Điều 190 Mục 1 Chương XVIII phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;
b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm: Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng…
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.00 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
+ Pháo nổ 120 kilôgam trở lên.
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cho biết các đối tượng vi phạm còn có thể bị xem xét xử lý theo hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, cụ thể theo Điều 191 Mục 1 Chương XVIII phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định:
- Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.00 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Pháo nổ 120 kilôgam trở lên.
Có thể nói, hệ quả của chuỗi hành vi vi phạm liên quan tới pháo nổ, vật liệu nổ… là những nguy cơ hoặc tai nạn thương tâm thậm chí trả giá bằng cả tính mạng của cả người vi phạm và lực lượng chức năng chuyên ngành trong quá trình điều tra, truy bắt xử lý.
“Do đó, thời gian tới cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các chế tài mang tính răn đe, đồng thời tích cực truyền thông để xã hội nhận thức tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa về loại hình tội phạm này, mang lại bình yên cho cộng đồng”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.