Thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa đối với viên chức?

Thứ hai, 17/05/2021 10:39
(ĐCSVN) – Trước ý kiến của ông Nguyễn Quốc Phòng, địa chỉ tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương hỏi về việc: Người lao động có hợp đồng làm việc lâu dài (viên chức) đang nghỉ chữa bệnh theo chế độ nhưng chưa khỏi, nay tiếp tục muốn xin nghỉ không hưởng lương một thời gian để điều trị thì thời gian tối đa được bao nhiêu? Dựa trên quy định nào? Qua trao đổi, Luật sư Hoàng Đức Dương đã có những phân tích, giải đáp.
(Ảnh minh họa: Nguồn: nld.com.vn).

Về nội dung liên quan đối với câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Phòng, theo Luật sư Hoàng Đức Dương, Luật Viên chức số 58/2010/QH12, ngày 15 tháng 11 năm 2010 quy đinh rất rõ về vấn đề này, trong đó có nội dung Quyền của viên chức về nghỉ ngơi. Cụ thể, Khoản 4, Điều 13, Chương II, Luật Viên chức số 58/2010/QH12 quy định:

- Viên chức được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

 Trong khi đó, liên quan đến chế độ ốm đau thì Điều 26, Chương III, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, ngày 20 tháng 11 năm 2014  quy định thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau của người lao động trong một năm được tính theo ngày làm việc như sau:

- Đối với công việc trong môi trường làm việc bình thường, người lao động được phép nghỉ 30 ngày cho chế độ ốm đau nếu như người đó có thời gian tham gia BHXH dưới 15 năm, nếu đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm thì người lao động được nghỉ 40 ngày cho chế độ ốm đau, nếu thời gian tham gia bảo hiểm của người đó được ghi nhận từ đủ 30 năm trở lên thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau của người lao động là 60 ngày.

- Người lao động làm những công việc, làm nghề nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại hoặc ở mức đặc biệt nguy hiểm, độc hại, nặng nhọc mà thuộc đối tượng, danh mục do Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc người lao động làm việc ở địa bàn nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở đi, cộng với có thời gian tham gia BHXH mà dưới 15 năm thì được hưởng 40 ngày cho chế độ ốm đau; nếu thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm thì được hưởng 50 ngày; nếu thời gian tham gia bảo hiểm của người đó được ghi nhận từ đủ 30 năm trở lên thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau của người lao động là 70 ngày (những ngày nghỉ chế độ này không tính ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ tết và các ngày nghỉ hàng tuần theo quy định của pháp luật).

 Trong quá trình lao động, người lao động nếu phải nghỉ việc để điều trị bệnh đối với các căn bệnh nằm trong Danh mục các bệnh bắt buộc phải tiến hành chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được áp dụng thời gian nghỉ cho chế độ ốm đau như sau:

- Người lao động được phép nghỉ nhiều nhất là 180 ngày, trong đó bao gồm cả các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần;

- Nếu như hết thời hạn được nghỉ hưởng chế độ ốm đau vừa nêu trên mà người lao động vẫn chưa hồi phục, chưa có dấu hiệu khỏi bệnh mà cần tiếp tục điều trị thêm thì được phép hưởng chế độ ốm đau tiếp tục nhưng lúc này sẽ được áp dụng với mức thấp hơn, tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện thời gian hưởng tiếp chế độ ốm đau tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

 “Để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng, ông Nguyễn Quốc Phòng có thể liên hệ trực tiếp cơ quan chuyên môn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi cư trú để đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ, giải đáp chi tiết cụ thể nội dung liên quan đến bản thân” – Luật sư Hoàng Đức Dương cho biết thêm./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực