Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong những trường hợp nào?

Thứ tư, 17/07/2024 16:55
(ĐCSVN) – Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tuần qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được câu hỏi của bạn Trần Thị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) với nội dung: Khi nào Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự? Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Ảnh: KL) 

Liên quan đến câu hỏi trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Những trường hợp Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Theo đó, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau:

- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

- Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

- Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

- Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

- Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;

- Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng Dân sự mà Tòa án đã thụ lý;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, không đề nghị xét xử vắng mặt và trong vụ án đó có bị đơn yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì giải quyết như sau:

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

- Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Đối với nội dung liên quan đến hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như thế nào, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết: Tại Điều 218 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:

- Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

- Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.

- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Về thẩm quyền đình chỉ vụ án dân sự, theo Điều 219 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định “trước khi mở phiên tòa” Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Còn “tại phiên tòa” Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực