Tội huỷ hoại tài sản đối diện mức án nào?

Chủ nhật, 17/10/2021 18:08
(ĐCSVN) – Đôi khi chỉ vì mâu thuẫn bộc phát, không kiểm soát được hành vi cá nhân dẫn đến một số người có hành vi hủy hoại tài sản, tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Hành vi vi phạm này đã xảy ra rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, không ít người vẫn vi phạm mà không hiểu rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam.

Đối tượng K.M.T làm việc tại cơ quan điều tra (công an quận Gò Vấp, TP. HCM)

để làm rõ về hành vi hủy hoại tài sản người khác. (Nguồn: tienphong.vn). 

Thời gian qua, do những yếu tố khách quan, chủ quan từ các hoạt động xã hội, đặc biệt là từ những mối quan hệ cá nhân dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật đáng tiếc. Mặc dù, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, tuyên truyền những căn cứ pháp luật liên quan đến hành vi hủy hoại tài sản, tôi cố ý làm hư hỏng tài sản để mỗi người dân hiểu và điều chỉnh hành vi, tránh vấp phải những vi phạm không đáng có, trong đó là vi phạm pháp luật liên quan đến tội danh hình sự, nhưng đáng tiếc, một số người đôi khi chỉ vì mâu thuẩn bộc phát, nhất thời, hoặc thậm chí có hiểu biết pháp luật vẫn vi phạm và phải chịu hình phạt thích đáng. Mới đây nhất, phản ánh tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bạn đọc bày tỏ sự quan tâm trước hành vi của anh K.M.T (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) chỉ vì mâu thuẩn cá nhân đã có hành vi sử dụng xăng để đốt cháy, hủy hoại xe ô tô cá nhân của người khác (ước tính ban đầu khoảng 2 tỷ đồng) thì hành vi này vi phạm điều khoản nào? Mức xử lý cũng như trách nhiệm của các bên liên quan ra sao? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, giải đáp.

 Theo luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tội “Hủy hoại tài sản, tôi cố ý làm hư hỏng tài sản” là nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản như các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và một số tội khác về bảo vệ quyền sở hữu tài sản tại chương các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Trường hợp hành vi của anh K.M.T như trên hoặc hành vi tương tự, khi cơ quan chức năng xem xét, điều tra, làm rõ các tình tiết thì hoàn toàn có thể xem xét xử lý đối tượng vi phạm tương xứng với tội danh “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

 Dưới góc độ pháp lý, hình phạt với tội danh này được quy định tại điều 178, chương XVI, Bộ luật hình sự 2017. Theo đó, với tội danh này, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hành chính về tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng; trường hợp đủ yếu tố xác định tội hình sự có thể phải đối diện với mức xử phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam. Cụ thể như sau:

 Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Như vậy, giá trị tài sản bị làm hư hỏng hoặc hủy hoại phải trong khoảng từ 2 triệu đến dưới 50 triệu.

 Nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì giá trị tài sản dưới 2 triệu vẫn xử lý, điều đó có nghĩa là không phụ thuộc vào tài sản có giá trị là bao nhiêu chỉ cần xác định được giá trị là xử lý về tội phạm này, cụ thể:

 -Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

 - Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 - Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 - Tài sản là di vật, cổ vật.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 - Có tổ chức;

 - Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 - Tài sản là bảo vật quốc gia;

 - Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

 - Để che giấu tội phạm khác;

 - Vì lý do công vụ của người bị hại;

 - Tái phạm nguy hiểm,

 Như vậy, nếu chỉ nhìn vào giá trị tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại thì tài sản phải có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu mới xử lý về khung hình phạt này.

 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

 4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

 Ngoài 4 khung hình phạt chính được nêu từ điểm 1 đến điểm 4 thì người phạm tội có thể sẽ bị xử phạt bổ sung như sau: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 “Như vậy, hành vi  hủy hoại tài sản, tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là vi phạm pháp luật, trên cơ sở quy định của pháp luật, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng sẽ ban hành hướng xử lý trách nhiệm tùy thuộc vào các yếu tố liên quan như khách quan, chủ quan của hành vi. Do đó, để tránh vi phạm quy định với hành vi này, mỗi cá nhân cần thực sự cẩn trọng, trường hợp cần thiết hoàn toàn có thể đề nghị sự hướng dẫn, trợ giúp pháp lý từ cơ quan chuyên môn hoặc từ chính quyền địa phương để giải quyết mâu thuẫn, tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra chỉ vì sự bộc phát nhất thời.” – luật sư Hoàng Dương cho biết thêm./.

Trường Quân (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực