Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả bị xử lý như thế nào?

Thứ hai, 22/11/2021 10:01
(ĐCSVN) - Công an tỉnh Bình Dương vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng đang thực hiện hành vi mua máy in về nhà để sản xuất tiền giả, sau đó đưa đi các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh bán để lấy tiền thật.
Số tiền giả cơ quan công an phát hiện tại nhà đối tượng Võ Văn Tình. (Ảnh: Công an tỉnh Bình Dương cung cấp) 

Theo đó, qua công tác nắm địa bàn, lực lượng công an Bình Dương phát hiện đối tượng Võ Văn Tình (SN 1995, quê Phú Yên, ngụ TP Hồ Chí Minh) chuyên bán tiền giả tại TP Thuận An và TP Dĩ An cho các con bạc, đối tượng nghiện ma túy. Ngày 20/11, khi đối tượng Tình đang đến đến KCN Sóng Thần (TP Dĩ An) để tiếp tục bán tiền giả thì bị lực lượng công an bắt giữ.Tại thời điểm kiểm tra, trong cốp xe máy của đối tượng có hơn 100 triệu đồng tiền giả, tất cả cùng một số seri. Khám xét nơi ở của đối tượng tại phường Tây Thạnh (Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), công an tiếp tục thu giữ nhiều tang vật dùng để sản xuất tiền giả như máy tính, máy ép nhiệt, máy in, mực in, giấy in tiền, nhiều bản in tiền chưa cắt. Làm việc với công an, Tình khai nhận mua các thiết bị trên về nhà để làm tiền giả, sau khi in ra các tờ tiền mệnh giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, Tình đưa đi Bình Dương, Đồng Nai bán cho các đối tượng có nhu cầu. Cứ 5 triệu tiền giả bán đi Tình sẽ thu về 1 triệu tiền thật. 

Nhìn nhận nội dung vụ việc, dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, một trong những vấn đề liên quan đến tiền tệ có tác động tiêu cực nhất chính là nạn tiền giả. Tiền giả là loại tiền không phải do nhà nước phát hành vì loại tiền này được tạo ra bởi các tổ chức, cá nhân với mục tiêu trục lợi bất hợp pháp. Để thực hiện hành vi sản xuất và lưu hành tiền giả thường không chỉ có một cá nhân mà phần lớn được thực hiện bởi nhiều người, mỗi người ở một giai đoạn khác nhau. Nạn nhân của nạn tiền giả này tập trung chủ yếu ở những thương nhân mua bán, trao đổi hàng hóa và không phải ai cũng có thể phát hiện được tiền mà họ sử dụng là tiền giả.

Điều 207, chương XVIII, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định rất rõ mức xử phạt đối tượng vi phạm khi thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả. Điều đáng chú ý, tại quy định này, ngoài việc xác định yếu tố cấu thành tội phạm, trường hợp xuất hiện thêm một số tình tiết tăng nặng, đối tượng vi phạm có thể phải chịu mức án tù chung thân. Cụ thể như sau:

 Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

 1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

 2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

 3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

 4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 “Như vậy, hành vi sản xuất, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải bị xử lý. Mức án tuyên phạt đối với đối tượng vi phạm sẽ được cơ quan chức năng đưa ra trên cơ sở căn cứ, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tăng, giảm tùy thuộc vào quá trình điều tra, xác minh làm rõ. Việc nhanh chóng phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm về hành vi sản xuất, bán tiền giả của cơ quan chức năng được dư luận đặc biệt quan tâm, ủng hộ, qua đó thực hiện hồi chuông răn đe, cảnh tỉnh đối với những đối tượng nào nếu có ý đồ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” – luật sư Lê Xuân Thảo cho biết thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực