Cụ thể, trao đổi với chúng tôi về nội dung trên, Luật sư Kiều Trang, Công ty Luật Sao Sáng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Tiêm chủng chống dịch là hoạt động tiêm chủng miễn phí do Nhà nước tổ chức cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch.
Có thể thấy, việc tiêm vắc xin COVID-19 hiện nay tại các vùng có dịch chính là hoạt động tiêm chủng chống dịch, nếu người được tiêm vắc xin bị biến chứng hoặc tử vong thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm bồi thường cho họ.
Sự cố bất lợi sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm chủng, không nhất thiết do việc sử dụng vắc xin, bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng. Tai biến nặng sau tiêm chủng là sự cố bất lợi sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng hoặc để lại di chứng hoặc làm người được tiêm chủng tử vong.
|
Sự cố xảy ra trong tiêm chủng là cực kỳ hy hữu, trường hợp có sự cố không mong muốn xảy ra thì Nhà nước sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân. Ảnh: TN |
Theo quy định tại điều 15 và điều 16 Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng thì khi sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Có hai trường hợp được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật và Người được tiêm chủng bị tử vong. Người bị thiệt hại do để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở, được bồi thường chi phí khám chữa bệnh và thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.
Thân nhân của người bị tử vong do tiêm chủng được bồi thường chi phí khám, chữa bệnh; chi phí mai táng bằng 10 tháng thương cơ sở; được bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng; được bồi thường về các khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.
Tại khoản 6 Điều 30 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 cũng có quy định:
Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. (Những quy định nêu trên áp dụng đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch).
Trường hợp xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, cơ sở nơi xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng có trách nhiệm báo cáo Sở Y tế nơi cơ sở đặt trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 104/2016/NĐ-CP và thực hiện bồi thường theo quy định của pháp luật về dân sự nếu có lỗi gây ra tai biến nặng sau tiêm chủng. (Theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 104/2016/NĐ-CP).
.“Người dân nên ủng hộ Chính phủ và thực hiện tiêm chủng đầy đủ, để bảo vệ sức khỏe của chính mình và của cả cộng đồng. Sự cố xảy ra trong tiêm chủng là cực kỳ hy hữu. Trường hợp có sự cố không mong muốn xảy ra thì Nhà nước sẽ đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân. Do đó, mọi người hãy an tâm thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Nhà nước, chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19” – Luật sư Kiều Trang cho biết./.