Trách nhiệm bồi thường khi phương tiện tạm giữ bị cháy?

Thứ ba, 12/03/2024 09:22
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Liên quan đến trách nhiệm bồi thường khi phương tiện tạm giữ bị cháy, nhiều bạn đọc muốn biết cơ quan công an có phải đền bù cho chủ sở hữu phương tiện hay không? Người dân cần làm gì để được bồi thường?

Vụ cháy ngày 9/3/2024 tại kho tạm giữ mô tô vi phạm của Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), làm thiệt hại hoàn toàn khoảng 200 xe máy, không có thiệt hại về người. Hiện lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đang phối hợp khám nghiệm hiện trường, xác minh, làm rõ nguyên nhân và xác định thiệt hại.

Trước đó, không ít vụ việc tương tự đã xảy ra, có thể kể ra như đám cháy ngày 30/3/2021 tại bãi tạm giữ xe trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ do Cảnh sát giao thông Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) quản lý làm nhiều phương tiện bị hư hại…, gần đây là vụ cháy ngày 6/6/2022 tại bãi tạm giữ xe vi phạm thuộc Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh nhiều xe máy bị thiêu rụi.

Có thể nói, “giặc lửa” tại các bãi tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều bạn đọc muốn biết cơ quan công an có phải đền bù cho chủ sở hữu phương tiện hay không? Người dân cần làm gì để được bồi thường?

Hình ảnh vụ cháy bãi giữ xe vi phạm hành chính trong khuôn viên trụ sở Công an huyện Tánh Linh (Ảnh: Hồng Ly)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, khoản 5 Điều 125 Chương II phần thứ tư Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 9 Chương 2 Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đã nêu chi tiết về vấn đề này.

Cụ thể, người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị mất, bán trái quy định, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện bị cháy có quyền yêu cầu cơ quan quản lý phương tiện bồi thường, theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Chương 2 Nghị định 115/2013/NĐ-CP. Theo đó, yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật sư Tuấn phân tích, phương tiện giao thông bị thiệt hại đã được cơ quan công an ra quyết định tạm giữ nên nó được xem như sự chuyển giao trách nhiệm trong việc bảo quản từ chủ sở hữu qua cơ quan công an một cách hợp pháp.

Đơn vị ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản nguyên vẹn xe (có thể trực tiếp trông giữ trong khuôn viên, trụ sở công an hoặc thuê mặt bằng khác phù hợp đặc điểm, tình hình cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương).

Về điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi, Nghị định 31/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013/NĐ-CP) nêu rõ: Phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; có hàng rào bảo vệ, nội quy ra, vào, nội quy về bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy; phải bảo đảm khô ráo, thoáng khí. Trường hợp nơi tạm giữ tang vật, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng; có hệ thống thiết bị chiếu sáng; trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp cho việc quản lý, bảo quản từng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.

Nếu xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng mà có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó thì cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, rồi sau khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội "Hủy hoại tài sản" theo Điều 178 Chương XVI phần thứ hai Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ phương tiện xe không phải chịu trách nhiệm bồi thường quy định tại khoản 2 Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thực tế khi công an tạm giữ xe vi phạm thường không ghi vào biên bản tình trạng xe. Do vậy, định giá mỗi chiếc xe trước khi bị cháy để làm căn cứ bồi thường không đơn giản. Nếu các bên không thống nhất được phương án đền bù, bồi thường thì có thể khởi kiện ra tòa án có chức năng giải quyết theo luật định.

“Cháy nổ là rủi ro ngoài ý muốn. Theo quy định hiện nay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (ô tô, xe máy) là loại hình mà các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc phải tham gia theo quy định của pháp luật. Khi rủi ro xảy ra chủ xe sẽ nhận được bồi thường từ công ty bảo hiểm”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực