Trách nhiệm giải quyết tranh chấp công trình nhà dân khi đang thi công xây dựng?

Thứ tư, 12/04/2023 10:36
(ĐCSVN) – Đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải ở cơ sở mà không thành, nếu đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp sẽ do TAND giải quyết.
 Bên cạnh việc bảo vệ quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, Luật Đất đai còn quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh. (Ảnh minh họa)

Nêu quan điểm cụ thể về vấn đề trên, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Tranh chấp đất đai xảy ra khi xây nhà là một dạng tranh chấp dân sự xảy ra khá phổ biến trong đời sống hiện nay. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, Luật Đất đai 2013 đã có nhiều quy định điều chỉnh, trong đó có nguyên tắc sử dụng đất. Cụ thể, tại điều 6 Luật Đất đai 2013 có quy định nguyên tắc “không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh”.

Có thể thấy, bên cạnh việc bảo vệ quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, Luật Đất đai còn quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.

Ngoài ra, tại điều 12, Luật Đất đai 2013 còn quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất đai.

Như vậy, việc xây nhà trên phần đất lấn chiếm của người khác đã vi phạm vào điều cấm của Luật Đất đai 2013. Do đó, tùy vào tính chất và mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về hình thức xử phạt:

Xử phạt hành chính

Căn cứ khoản 10, điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/01/2022 về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đối với hành vi xây dựng nhà ở đơn lẻ, cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng.

Trong trường hợp sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, dù được người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm nhưng vẫn không tuân theo thì sẽ bị phạt tiền từ 100 – 120 triệu đồng.

Xử lý hình sự

Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai được quy định tại điều 228 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó người nào lấn chiếm đất, sử dụng đất trái với quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án phạm tội này, chưa được xóa án tính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 -500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung

Căn cứ khoản 14, 15 điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì chủ nhà sẽ phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng. Như vậy tùy vào mức độ của hành vi tranh chấp mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Bên cạnh đó, người vi phạm có thể bị buộc dỡ bỏ công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm và trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị tước giấy phép xây dựng.

 Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). (Ảnh: Kim Chiến)

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà

Luật Đất đai quy định cụ thể quy trình giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại điều 203 Luật Đất đai 2013. Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì đương sự gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Đối với tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã không thành, mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì do TAND giải quyết../.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực