Trách nhiệm hình sự khi vi phạm phòng chống dịch?

Thứ hai, 07/06/2021 12:57
(ĐCSVN) - Liên quan đến một nhóm tại TP HCM vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, trở thành ổ dịch tại thành phố, đến sáng ngày 7/6 đã ghi nhận 362 ca bệnh, hình thành 6 chuỗi nhánh lây của nhóm với số ca nhiễm lớn, có mặt tại 21/22 quận, huyện trong TP.

Từ ngày 27/5 đến hết ngày 5/6, ngành y tế TP.HCM đã lấy 443.081 mẫu xét nghiệm, trong đó 5.824 mẫu tiếp xúc gần các trường hợp dương tính, 437.257 mẫu tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, trong đó, tiếp xúc gần: 5.291 mẫu âm tính, 533 chờ kết quả; tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 231.264 mẫu âm tính, 205.933 mẫu chờ kết quả.

Ngoài ra, 6 địa phương miền Nam gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu cũng có ca nhiễm liên quan đến nhóm này.

“Ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục hưng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Đây là ổ dịch có mức độ nguy hiểm nhất, khó kiểm soát”, GS TS Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định như trên tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP HCM ngày 1/6.

Ngày 30/5, Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Gò Vấp, TP. HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án về tội danh “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 BLHS năm 2015.

 Hẻm 415, đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM bị phong tỏa hôm 27/5 (Ảnh: Kim Vân)

Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về sự việc, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như: Không thực hiện cách ly, giãn cách xã hội theo quy định, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực… làm lây lan, phát tán dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi vi phạm pháp luật, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân nơi có ổ dịch bùng phát, làm ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân, gây khó khăn trong việc truy vết và công tác phòng, chống dịch bệnh, thỏa mãn dấu hiệu tội danh quy định Điều 240 BLHS năm 2015 có mức hình phạt tù cao nhất lên đến 12 năm tù giam.

Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này người phạm tội phải có hành vi vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 như “Hành vi khác làm lây lan dich bệnh nguy hiểm cho người” về hành vi này được hướng dẫn tại Điểm 1.1, Mục 1- Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Chánh án TAND tối cao hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực