Trách nhiệm pháp lý trong vụ hai cháu bé đuối nước tại công trường đang thi công

Thứ ba, 18/06/2024 18:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong thời gian gần đây diễn ra tương đối nhiều. Điều đáng buồn là những vụ trẻ em bị tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra tại ao, hồ, sông, suối, biển, mà còn ở những công trình thi công xây dựng, dự án xây dựng ở gần khu vực dân cư. Đây là hiểm họa luôn rình rập hằng ngày đối với trẻ em.
Hiện trường vụ tai nạn đuối nước khiến hai cháu bé tử vong ở khu vực đang thi công Dự án tái định cư khu 5, phường Hải Yên. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Theo thông tin chính quyền thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), sau gần 1 ngày tìm kiếm, đến chiều 17/6, Công an phường Hải Yên phối hợp với UBND phường Hải Yên và nhân dân phát hiện hai cháu bé đã tử vong do đuối nước ở khu vực đang thi công Dự án tái định cư khu 5, phường Hải Yên. 

Liên quan đến vụ việc đau lòng trên, Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong thời gian gần đây diễn ra tương đối nhiều. Điều đáng buồn là những vụ trẻ em bị tai nạn đuối nước không chỉ xảy ra tại ao, hồ, sông, suối, biển…, mà còn ở những công trình thi công xây dựng, dự án xây dựng ở gần khu vực dân cư. Đây là hiểm họa luôn rình rập hằng ngày đối với trẻ em. Trước đó, tháng 01/2023, tại Đồng Tháp, một cháu bé cũng đi vào khu công trình và bị lọt xuống hố bê tông độ sâu 35m dẫn tới tử vong. 

Từ các tai nạn này cho thấy, công tác quản lý, giám sát khu vực thi công, công trường đang thi công còn lỏng lẻo, còn tồn tại nhiều rủi ro và bất cập, có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 về thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong phạm vi công trình xây dựng đang thi công. Bởi vậy, sau khi triển khai xong biện pháp tìm kiếm thi thể hai cháu bé, cơ quan chức năng cần điều tra để xác định nguyên nhân xảy ra sự việc, trách nhiệm của từng bên để có biện pháp xử lý đúng theo quy định pháp luật; đồng thời có biện pháp phòng ngừa tránh sự việc tương tự tiếp tục xảy ra.

Căn cứ Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thi công xây dựng tại khoản 1, Điều 7 của Nghị định này đã quy định rõ việc phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong việc quản lý xây dựng công trình, các chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình bao gồm: Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công xây dựng; Nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; Các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác.

Như vậy, nếu theo quy định này, trách nhiệm giữa các chủ thể trong quản lý công trình gồm những đơn vị trên. Khi xảy ra tai nạn lao động nói chung và “tai nạn do không đảm bảo an toàn lao động”, “vi phạm an toàn lao động” nếu “xảy ra ở khâu nào thì sẽ quy kết trách nhiệm ở khâu đó”, đơn vị nào chịu trách nhiệm phần việc ở khâu nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính ở khâu đó. Còn các đơn vị khác sẽ chịu trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra, tại điểm đ, khoản 1, Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ có nêu rõ nội dung quản lý xây dựng công trình “bao gồm cả quản lý an toàn lao động”, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; tại khoản 2, khoản 5, Điều 13 trách nhiệm của nhà thầu thi công bao gồm “đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện”.

Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động khu vực có công trình đang thi công.

Việc để người bên ngoài, cụ thể là hai cháu bé, có thể dễ dàng đi vào khu vực công trình đang thi công, không có người giám sát - bảo vệ khu vực công trình đang thi công… dẫn đến hai cháu đi vào khu vực này và xảy ra tai nạn đuối nước có thể là trách nhiệm của nhà thầu và những cá nhân, tổ chức đã được nhà thầu giao nhiệm vụ. Vì vậy, tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, phạm vi trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức mà hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: KL)

Nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định 12/2022 về vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, mức phạt lên tới 10 triệu đồng.

Trường hợp này có hậu quả chết người xảy ra đối với hai cháu bé, nên cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải quyết nguồn tin về tội phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, trường hợp giải quyết nguồn tin về tội phạm nếu vụ việc được xác định chỉ là tai nạn xảy ra trọng phạm vi thi công (không thực hiện hết trách nhiệm trong lĩnh vực lao động) thì thanh tra ngành lao động sẽ kiểm tra, kết luận mức độ của vụ tai nạn, thì lúc này, cá nhân hay tổ chức gây ra tai nạn sẽ chịu những chế tài về hành chính và thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự với gia đình hai cháu bé.

Nếu vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân, tổ chức liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để xảy ra sự việc, nhằm xem xét xử lý về các tội danh như: “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động” quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự, với tình tiết làm chết hai người, thì hình phạt tại khoản 2 Điều 295 là 03 - 07 năm tù.

Còn đối với cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để hậu quả tai nạn lao động, họ là những chủ thể có chức vụ quyền hạn đã không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả mất an toàn lao động gây thiệt hại về người, tài sản, thì có thể sẽ bị xem xét xử lý về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, tùy vào thiệt hại xảy ra đối với nạn nhân là hai cháu bé, mà cá nhân, tổ chức liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 591 bồi thường do tính mạng bị xâm phạm của Bộ luật Dân sự năm 2015./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực