Trách nhiệm pháp lý vụ hai bé tử vong trong bể bơi tại Quảng Ninh?

Thứ sáu, 14/06/2024 11:57
(ĐCSVN) – Vụ hai cháu bé tử vong do đuối nước tại một biệt thự nghỉ dưỡng ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh là vụ tai nạn đau lòng; không chỉ là mất mát lớn đối với gia đình, mà cũng là bài học cảnh tỉnh các gia đình khác trong việc quản lý, giám sát con em mình.
Bể bơi nơi 2 cháu gặp nạn (Ảnh cắt từ camera an ninh căn nghỉ dưỡng). 

Sáng 13/6, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ninh xác nhận, sau hơn một tuần cấp cứu điều trị, sức khỏe của cháu B.N.C.A.(7 tuổi) –  một trong hai trẻ bị đuối nước trong bể bơi tại biệt thự nghỉ dưỡng ở phường Bãi Cháy ngày 3/6 vẫn diễn biến xấu, đã được gia đình đưa về nhà ngày 12/6 và không qua khỏi. 

Trước đó, theo báo cáo của UBND TP Hạ Long, UBND phường Bãi Cháy nhận được thông tin vụ đuối nước xảy ra tại biệt thự C5-05 khu đô thị Sunperia, thuộc khu 5A của phường này.

Ngày 3/6, có một gia đình 4 người ở phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đến thuê biệt thự trên để nghỉ dưỡng từ 14h cùng ngày gồm người chồng 28 tuổi, vợ 27 tuổi và 2 con là 2 cháu bé B.N.C.A (7 tuổi) và B.N.P.C. (4 tuổi).

Trong lúc bố mẹ không để ý, 2 cháu bé đã bị ngã xuống bể bơi dẫn đến đuối nước. Gia đình lập tức đưa 2 cháu đi bệnh viện nhưng cháu B.N.P.C. (4 tuổi) đã tử vong ngay sau đó do bị tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, viêm phổi nặng do ngạt nước. Còn cháu B.N.C.A bị ngạt tuần hoàn, ngừng hô hấp sau đuối nước, được bác sĩ điều trị lọc máu tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.

Chia sẻ quan điểm của mình về trách nhiệm của cha mẹ trước tai nạn đuối nước thương tâm trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích, Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, việc bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tình huống có nguy cơ xâm hại tới sức khỏe, tính mạng của trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

Bàn về trách nhiệm trẻ em bị đuối nước thì trước tiên cần xác định nơi xảy ra vụ việc đuối nước là ở đâu? Bởi việc quản lý, chăm sóc trẻ em trước tiên là của người đại diện, người giám hộ. Nên nếu việc đuối nước xảy ra tại bể bơi của biệt thự (không gian riêng tư) mà gia đình thuê như vụ tai nạn tại bể bơi biệt thự tại Quảng Ninh, nếu tại biệt thự đã có thỏa thuận giao cho người thuê không bao gồm dịch vụ có người bảo vệ, bể bơi trong biệt thự không có nhân viên cứu hộ thì trách nhiệm được xác định là của người đại diện, người giám hộ trẻ.

Tuy nhiên, nếu phía ban quản lý khu biệt thự, đơn vị quản lý vận hành khu biệt thự ngay từ đầu không có thông báo cho khách thuê về việc quản lý sử dụng biệt thự thuê, cảnh báo về việc sử dụng bể bơi, cảnh báo rủi ro hoặc nguy cơ tai nạn khi sử dụng bể bơi, thậm chí có cảnh báo về mực nước bể bơi, độ sâu bể bơi, khuyến cáo người thuê biệt thự không được để trẻ tự bơi 01 mình khi không có người lớn bên cạnh, hoặc không để trẻ tự ý ra khu vực bể bơi, thì đây là lỗi gián tiếp đến từ ban quản lý khu biệt thự, đơn vị quản lý vận hành khu biệt thự.

Qua sự việc đau lòng này, các đơn vị quản lý và vận hành khu biệt thự cần có biện pháp cảnh báo, thậm chí cải tạo sửa chữa bể bơi trong biệt thự để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và những người không biết bơi tới thuê. Trước tiên, cơ quan chức năng cần đình chỉ hoạt động thuê và cho thuê đối với khu biệt thự có bể bơi riêng này để khắc phục các sự cố gây mất an toàn, thậm chí phải có người chú ý giám sát, nhắc nhở người bơi, cứu hộ khi cần thiết.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Ảnh: PV).

Đây là vụ tai nạn đuối nước đau lòng, có lỗi trong việc thiếu giám sát quản lý con em mình của gia đình. Đến nay, hậu quả khiến 02 cháu bé tử vong, là mất mát lớn đối với gia đình, nhưng cũng là bài học cảnh tỉnh các gia đình khác trong việc quản lý, giám sát  con em mình.

Trong vụ việc này, hậu quả chết người đã xảy ra nên cơ quan điều tra sẽ xác định nguyên nhân xảy ra sự việc để xác định yếu tố lỗi của những người liên quan. Nếu phía ban quản lý khu biệt thự, đơn vị quản lý vận hành khu biệt thự có lỗi trong việc không đảm bảo các biện pháp an toàn nơi đông người thì cũng có thể xem xét về Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. Pháp luật quy định hành vi phạm quy định về an toàn nơi đông người là hành vi vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn nơi đông người trong quá trình kinh doanh, sản xuất, lao động.

Còn trường hợp phía ban quản lý khu biệt thự, đơn vị quản lý vận hành khu biệt thự không có lỗi, đã có các biện pháp cảnh báo, thông báo đảm bảo an toàn, nhưng người được giao giám sát trẻ dù biết trẻ xuống bể bơi để tắm một mình nhưng đã thiếu chú ý giám sát để trẻ bị đuối nước thì cũng có thể xem xét về Tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu qua xác minh không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ không khởi tố vụ án và sẽ không đặt ra trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra đối với cá nhân, tổ chức có lỗi trong sự việc trên. Vì vậy, phải chờ đợi sự vào cuộc điều tra xác minh cửa cơ quan chức năng giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực