Trách nhiệm tài xế khi xe hỏng giữa đường gây tai nạn?

Thứ sáu, 15/12/2023 16:40
(ĐCSVN) - Phương tiện giao thông bị trục trặc kỹ thuật dừng đỗ giữa lòng đường là sự cố bất ngờ. Nếu chủ phương tiện đã dùng mọi cách để ngăn ngừa khắc phục sự cố nhưng không được thì sẽ được xem xét loại trừ trách nhiệm.

Bạn đọc Nguyễn Quang Huy, sống tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội hỏi: “Vừa qua, xe ô tô của tôi gặp sự cố phải dừng giữa đường quốc lộ. Do tối khuya, đường vắng nên một xe máy không để ý đã va chạm dẫn đến tai nạn. Vậy tôi có phải bồi thường cho chủ xe máy?”

Về nội dung này, luật gia Ninh Văn Quang, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết, về nguyên tắc, khi phương tiện giao thông phải dừng khẩn cấp vì gặp sự cố, tai nạn, hoặc hết xăng, việc đầu tiên tài xế cần làm là bật đèn khẩn cấp (đèn hazard), rồi cố gắng đưa xe vào trong làn dừng khẩn cấp; với xe nhỏ, nên đẩy xe vào lề đường bên phải. Nếu ô tô không thể di chuyển có thể được xem là sự kiện bất khả kháng.

Ngoài việc bật đèn khẩn cấp, cần đặt các vật dụng như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón hoặc sử dụng cành cây lớn, đèn pin... nhằm cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe dừng đỗ với một khoảng cách phù hợp, để tài xế các xe phía sau có đủ thời gian giảm tốc độ và đánh lái tránh.

Ảnh minh họa: Hàn Phi/cand.com.vn 

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2019, với tốc độ vận hành trung bình của xe là dưới 20km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là 20 - 35km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 50 - 100m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là 35 - 50km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 100 - 150m.

Tốc độ vận hành trung bình của xe là từ 50km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là 150 - 250m.

Như vậy, với điều kiện giao thông bình thường trên quốc lộ, đường cao tốc, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm là 150 - 250m.

Luật gia Ninh Văn Quang phân tích, trong hầu hết các trường hợp, cơ quan chức năng sẽ xem xét tới yếu tố lỗi của mỗi bên, tài xế xe ô tô đã sử dụng đầy đủ các biện pháp cứu hộ, cảnh báo chưa; người lái xe máy có chú ý quan sát trong tình huống trên để nhận diện có chướng ngại vật phía trước chưa; tốc độ của xe máy và phần đường mà xe máy lưu thông đã đúng quy định chưa, điều kiện thời tiết có ảnh hưởng tới tầm nhìn của người lái xe máy..., là những tình tiết cần làm rõ.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008), người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Nếu tài xế xe máy được xác định là thiếu chú ý quan sát, chạy quá tốc độ dẫn đến tai nạn thì sẽ được xác định là có một phần lỗi, tài xế xe máy chỉ được xem xét bồi thường liên quan đến phần lỗi của tài xế xe ô tô.

Nếu ô tô được xác định là chướng ngại vật, tất cả phương tiện tham gia giao thông qua đây phải chú ý quan sát, giảm tốc độ để tránh xảy ra va chạm. Người điều khiển phương tiện giao thông khác thiếu chú ý quan sát, không giảm tốc độ dẫn đến tai nạn thì người đang điều khiển phương tiện đang di chuyển là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả tai nạn xảy ra.

Còn nếu sau khi dừng đỗ xe khẩn cấp, người điều khiển xe ô tô không có tín hiệu cảnh báo cho người điều khiển phương tiện khác biết và không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe cho người khác biết thì người điều khiển xe ô tô đã có hành vi dừng đỗ xe sai quy định.

Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả và yếu tố lỗi của mỗi bên mà người điều khiển ô tô có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019).

Thậm chí, nếu tỷ lệ thương tích 1 người từ 61% hoặc 2 người cộng lại 61% trở lên, gây chết người, thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng thì lái xe ô tô còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản mà người bị thiệt hại phải chịu theo quy định tại Điều 589 (thiệt hại do tài sản bị xâm phạm), Điều 590 (thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm) Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015).

“Thực tế tham gia giao thông cho thấy bất kỳ tình huống nào cũng có thể xảy ra. Do đó, nếu phương tiện bị sự cố buộc dừng giữa đường bộ, hãy xếp các cọc tiêu hình nón tạo thành một barrier di động, để các xe khác không lao vào khu vực có xe gặp sự cố. Để đảm bảo an toàn tính mạng, khi xe gặp sự cố, tất cả mọi người nên rời khỏi xe, di chuyển ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt”, luật gia Quang nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực