Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu

Thứ tư, 21/07/2021 09:10
(ĐCSVN) - Gần đây báo chí phản ánh việc hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh tại khu vực phía Nam đã tăng giá đối với một số mặt hàng, trong đó có mặt hàng thiết yếu khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, đã có những phân tích về góc độ pháp lý. 

Theo đó, Điều 10 Luật giá năm 2012 quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, trong đó tại điểm c khoản 2 quy định: "Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý".

 Một điểm bán hàng của Bách Hóa Xanh. (Ảnh: Đức An)

Tuy nhiên, cũng phải khách quan nhìn nhận các nội dung mà Bách Hóa Xanh nêu ra cũng như quan điểm của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, đó là: thời gian vận chuyển tăng khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, tăng thêm giá xăng; tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao; chi phí nhân công tăng; chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày; chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng… khiến giá đầu vào tăng lên dẫn đến việc tăng giá bán đối với một số mặt hàng là ở mức độ hợp lý, phù hợp với các nguyên tắc thị trường.

Thậm chí, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng thực tế kiểm tra cho thấy giá cả ở các siêu thị này "cũng không tăng quá cao".

Như vậy, khẳng định rằng Bách Hóa Xanh không tăng giá bất hợp lý, không vi phạm pháp luật về giá và các quy định pháp luật có liên quan.

 Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nộ. (Ảnh: NVCC)

Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, với tư cách là một thương hiệu lớn của quốc gia, một hệ thống bán lẻ quy mô thì Bách Hóa Xanh nên cân nhắc và điều chỉnh việc tăng giá này trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp, Nhà nước đang chịu sự tác động mạnh mẽ của bệnh COVID-19. Hơn nữa, cùng điều kiện khách quan khó khăn nhưng các hệ thống bán lẻ, siêu thị lớn khác như Saigon Co.op, VinCommerce, BigC hay AEON vẫn đang thực hiện chính sách bình ổn giá.

Khi các chợ truyền thống phải đóng cửa để đảm bảo an toàn, thì người dân chỉ còn lựa chọn là đến các hệ thống bán lẻ, siêu thị lớn để mua các mặt hàng thiết yếu. Vậy nên yếu tố trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn thật sự cần được đặt ra.

Nói rộng hơn, đây là có thể gọi là “thời điểm vàng” để các thương hiệu lớn, thương hiệu quốc gia trong đó có Bách Hóa Xanh thể hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của mình./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực