Trục lợi trong tiêm vaccine sẽ chịu mức phạt nào?

Thứ tư, 15/09/2021 14:37
(ĐCSVN) - Công an thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thái Hiệp (31 tuổi, ngụ tại xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) và Lê Văn Thắng (24 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên) do có hành vi cấu kết để tiêm vaccine cho những người không thuộc đối tượng ưu tiên được tiêm và thu tiền.

Cụ thể, Thắng là nhân viên giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị khởi tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, trong khi Hiệp là bác sĩ Khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Trước đó, vào ngày 23/8, ông Nguyễn Văn Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cũng đã bị đình chỉ công tác vì chưa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã điều động và bổ nhiệm ông Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng về thay thế.

leftcenterrightdel
 Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Lan Anh)

Theo tài liệu điều tra, Thắng và Hiệp đã móc nối để tiêm cho 52 người, thu lợi bất chính gần 28 triệu đồng vào các ngày 11, 20, 24/8. Cụ thể, vào ngày 24/8, Thắng tự ý mở cổng sau cho 10 người vào trong khuôn viên cơ sở y tế để được tiêm vaccine (còn 7 người khác cũng có thỏa thuận nhưng chưa đến). Những người này đa số là công nhân chưa được tiêm hoặc không phải là đối tượng ưu tiên nên đã giao dịch với Thắng để được tiêm vaccine sớm. Tiêm xong, Thắng nhận tiền thì bị lực lượng công an bắt quả tang.

Trước đó, Thắng cũng "móc nối" với bác sĩ Hiệp để tiêm vaccine cho 42 người khác (ngày 11/8 và 20/8). Số tiền thu được là 17,5 triệu đồng, hai bị can đã chia đôi. Như vậy, khoản tiền mà đối tượng Hiệp thu lợi bất chính thỏa mãn dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hơn nữa, làm thất thoát nguồn vaccine của Nhà nước lẽ ra phải được tiêm cho đúng đối tượng.

Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Tân Uyên đã lập biên bản thu giữ tang vật, gồm 10,2 triệu đồng tiền mặt, 1 xe máy, 2 điện thoại di động và 4 phiếu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chưa điền thông tin, đã được đóng dấu đỏ “ĐÃ SÀNG LỌC”.

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Phú Thắng

Đây là hành vi gây bức xúc dư luận vì trong hoàn cảnh dịch bệnh, các đối tượng đã thu lợi bất chính. Đứng dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm như sau:

Hành vi của bác sĩ Nguyễn Thái Hiệp thỏa mãn cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10-200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Đối tượng Hiệp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là một bác sĩ công tác tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh làm trái công vụ khi tiêm vaccine cho các đối tượng không thuộc diện được tiêm để trục lợi.

Đối với người giữ xe Lê Văn Thắng, Điều 366 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Cụ thể: “Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” Ở đây, đối tượng Thắng đã dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy bác sĩ Hiệp làm việc không được phép làm và thu lợi bất chính từ hành vi này.

Trước đó, ngày 24/8, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường Đại học chấn chỉnh công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022, trong đó nhấn mạnh đây là hoạt động hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận “bồi dưỡng” từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Do vậy, Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng trong vụ việc này, nếu có căn cứ xác định việc đưa và nhận tiền để được thêm tiêm thì người đưa tiền có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ hoặc xử phạt vi phạm hành chính/.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực