Ông V (44 tuổi, trú tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) có tiền án, tiền sự, đang trong diện quản lý của địa phương và được cho là có dấu hiệu không bình thường. Trước đó, vào tháng 3, ông này đã đốt một chiếc xe 16 chỗ.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết cơ quan chức năng cần làm rõ mục đích của hành vi đốt xe cũng như ai là chủ chiếc xe.
|
Thời điểm người đàn ông tên V tự đốt xe ô tô (Ảnh chụp màn hình, nguồn: Báo Thanh niên)
|
Trường hợp ô tô là tài sản của người khác thì hành vi của ông V. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy có căn cứ xác định hành vi đốt xe nhằm quảng cáo cho một hãng xe hoặc quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì ông V. có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 4 Điều 34 Mục 1 Chương III Nghị định 38/2021 (Số: 38/2021/NĐ-CP, ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo).
Cụ thể, phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với người thực hiện hành vi quảng cáo có hành động, lời nói, hình ảnh, âm thanh, chữ viết tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em (tự đốt xe rồi livestream có thể ảnh hướng xấu đến trẻ em); hoặc quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Luật sư Tuấn phân tích, hành vi đốt xe rồi livestream trên mạng xã hội có thể được xem là hành vi cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm (cố tình chia sẻ hình ảnh tai nạn, cháy nổ kinh dị, rùng rợn…).
Mức phạt tiền cho cá nhân là 5 - 10 triệu đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 101 Mục 4 Chương V Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ngày 03 tháng 02 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP).
Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.
“Do ông V đang trong diện quản lý của địa phương và được cho là có dấu hiệu không bình thường, nên cơ quan chức năng cần tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần để làm cơ sở xử lý, ngăn chặn các hành vi tương tự có thể xảy ra, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.