Do khu vực đặt toa tàu có 2 lớp bảo vệ trực, có hàng rào vây kín nhưng gói thầu này chưa bàn giao nên chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đang đốc thúc nhà thầu kiểm tra và sớm có báo cáo.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản công cần xử lý chứ không đơn giản là vẽ nghệ thuật đường phố.
Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, kết quả giám định thiệt hại mà người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
|
Hiện trạng 2 toa tàu bị xâm phạm. (Ảnh: PLO) |
Nếu giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng dưới 2 triệu đồng và trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, bị kết án về hành vi này thì xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Mục 1, Chương II, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Ngoài phạt tiền, hành vi vẽ bậy còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu là người nước ngoài thì còn có thể bị trục xuất, đồng thời, buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với toa tàu.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 178, Chương XVI, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Đối với tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, người phạm tội có thể bị xử phạt tù từ 5 năm đến 10 năm tù.
Trường hợp giá trị tài sản bị hư hỏng, hủy hoại lên đến hơn 500 triệu đồng, người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt tù từ 10 -20 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Luật sư Tuấn phân tích thêm, nếu có đủ bằng chứng, căn cứ, cơ quan chức năng cũng có thể viện dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 584, Mục 1, Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015), cụ thể, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
Trong quá trình điều tra làm rõ, việc truy tìm thủ phạm không khó, thông qua trích xuất camera tại chỗ hoặc gần đó, lịch trực nếu có, tìm người làm chứng...
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà tại một số đô thị, thành phố lớn, nhiều bức tường nơi công cộng cũng thường xuyên bị người dân “tự do sáng tác nghệ thuật đường phố” kiểu thế này.
"Do vậy, bên cạnh việc phát hiện, xử lý các trường hợp vẽ bậy, các địa phương, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu rà soát, bố trí riêng những địa điểm phù hợp để những “nghệ sĩ đường phố” có sân chơi để hoạt động, đồng thời sử dụng chính những tác phẩm đó vào mục đích phù hợp", luật sư Tuấn nhấn mạnh./.