Vi phạm an toàn thiết bị bay không người lái xử lý thế nào?

Thứ năm, 17/10/2024 16:28
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc sử dụng thiết bị bay không người lái ở nước ta không bị cấm hoàn toàn nhưng cũng có hạn chế nhất định do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…

Chiều 14/10, Công ty Điện lực Long An (PC Long An) cho biết vào lúc 17 giờ 27 phút ngày 13/10, thiết bị bay không người lái (drone) của người dân sử dụng để phun thuốc cho lúa đã vướng vào dây dẫn khoảng trụ 146-147 của đường dây 174 Cai Lậy-171 Tân Thạnh; làm mất điện đường dây 110kV 174 Cai Lậy-171 Tân Thạnh và 2 trạm biến áp 110kV Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; gây gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Ngay khi sự cố xảy ra, PC Long An đã triển khai công tác khắc phục, chuyển tải nguồn điện ngay trong đêm, đến 22 giờ 41 phút cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời phối hợp với Công an địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển thiết bị; làm rõ nguyên nhân sự cố và giấy phép hoạt động bay của thiết bị…

Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trong lĩnh vực nông nghiệp
(Ảnh minh họa, nguồn: www.nait.vn)

Liên quan tới nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (drone/flycam) không còn quá xa lạ và được sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống như dùng để phun thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, truyền thông nghệ thuật, tìm kiếm cứu nạn....

Pháp luật Việt Nam về quản lý drone/flycam được quy định tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 79/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2011).

Cụ thể, Khoản 1 Điều 3 Chương I Nghị định 36/2008/NĐ-CP nêu: Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.

Trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa cho hạ tầng cũng như hành lang lưới điện, Khoản 12 Điều 4 Chương I Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện nêu rõ cấm điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của công trình lưới điện cao áp nhỏ hơn 100 m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.

Thực tế hoạt động bay, phạm vi hoạt động bay của drone/flycam là trên 1 địa bàn cụ thể (xã, huyện, tỉnh). Do vậy, trong Dự thảo tờ trình xây dựng một nghị định mới thay thế Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã đưa ra hàng loạt quy định mới. Đáng chú ý, để vận hành drone, các cá nhân, tổ chức buộc phải đăng ký với Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), các Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Các phương tiện drone chỉ được cất cánh khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện nêu trong giấy phép.

Ngoài ra, cần có chính sách, cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Công an tỉnh, Công an huyện.... trong việc cấp phép bay. Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, tránh áp lực công việc dồn lên một hoặc hai cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có liên quan trong tổ chức hoạt động bay.

Với vụ việc tại Long An, nếu sử dụng drone/flycam chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép thì có thể bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (mức phạt với tổ chức là gấp 2 lần).

Tùy thuộc vào mức độ hậu quả của hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 7 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nhưng không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), từ đầu năm 2024 đến nay, trên lưới điện do đơn vị quản lý vận hành đã xảy ra 02 sự cố lưới điện do sử dụng flycam/drone vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện.

Do đó, EVNSPC khuyến cáo tổ chức, cá nhân tuyệt đối không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 14 Chương 3 Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008, cụ thể:

1. Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.

2. Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.

3. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.

4. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.

5. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.

6. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.

7. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.

Có thể thấy, công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện nói chung luôn được cơ quan, đơn vị đặc biệt chú trọng thông qua hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; cắm biển "Cấm drone bay vào đường dây"; làm việc với các chủ đất ruộng có đường dây điện đi qua để cảnh báo drone khi thuê phun thuốc, bón phân.../.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực