Ngày 31/7, UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã thiết lập vùng cách ly y tế tại địa bàn dân cư phường Chương Dương trong 14 ngày do liên quan đến trường hợp dương tính với SARS-CoV- 2. Tuy nhiên, vào chiều tối ngày 01/8 tại khu vực vắng sự kiểm soát của lực lượng an ninh, không ít người dân đã “cố gắng” vượt bờ đê đường Hồng Hà nhằm trốn khỏi khu cách ly. Nhiều em nhỏ thậm chí còn được người lớn tích cực hỗ trợ để vượt qua đoạn tường đê cao chừng 2m. Đáng sợ hơn, có những gói hàng hóa không được kiểm dịch, phun khử khuẩn cũng được tuồn ra ngoài.
|
Một người dân cố tình vượt rào thép gai ra ngoài khu cách ly y tế tại khu vực đê Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào tối 01/8/2021. (Ảnh: Tố Linh) |
Theo các chuyên gia y tế, hiện biến thể Delta đang xuất hiện tại Việt Nam có tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh, trong khi nỗ lực kiếm tìm nguồn vaccines và tốc độ tiêm phòng vẫn đang được đẩy nhanh trên phạm vi toàn quốc. Những người chưa được tiêm phòng vẫn thuộc diện nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Do đó, nếu người nào đó "vô tình mang mầm bệnh" mà lại cố ý vượt rào khu cách ly, vô tư di chuyển ngoài cộng đồng thì thực sự không ai lường hết được hậu quả mà nó có thể gây ra.
Trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn cho rằng, cá nhân, tổ chức có liên quan đến hành vi vượt rào ra khỏi khu cách ly sẽ bị xử phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực y tế, nếu làm lây lan bệnh tật thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, cá nhân nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (theo Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29/1/2020 của Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2017) thì có thể bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Trường hợp trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa hoặc vi phạm quy định cách ly y tế gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo khoản 1 Công văn 45 ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly có thể bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Theo Điều 240, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm hoặc phạt tù lên đến 12 năm.
Hiện Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 ngày 23/7/2021 của UBND TP Hà Nội. Vì thế, mọi người cần tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa đối với bản thân nói riêng và cộng đồng nói chung, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
Luật gia Nga nhấn mạnh, Công điện 1063 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ thông điệp nghiêm khắc "Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)".
Chúng ta đừng vì thiếu hiểu biết, coi thường sức khỏe bản thân, cộng đồng mà tìm cách trốn tránh cách ly, cưỡng chế y tế.
Hãy thể hiện là người có văn hóa, nhận thức và tôn trọng những nỗ lực không quản ngày đêm, khó khăn gian khổ của bao nhiêu con người đang ngày đêm chiến đấu với thời gian để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh./.