Sáng 8/10, Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tạm giữ hình sự ông V.T.Ph (SN 1982, trú tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để điều tra về hành vi bỏ chạy sau khi gây tai nạn giao thông làm chết người.
Hồ sơ công an nêu rõ, vào khoảng 16h00 ngày 7/10, ông Ph. lái ô tô biển số 63A-010.xx lưu thông trên Quốc lộ 50 khi đến địa bàn xã An Thạnh Thuỷ (huyện Chợ Gạo) đã lấn sang trái đâm xe mô tô lưu thông chiều ngược lại, tiếp đó tông vào xe máy đậu trên lề đường, rồi tăng tốc bỏ chạy về hướng thành phố Mỹ Tho.
Hậu quả khiến em H.Ng.Ph.Y. (SN 2015) tử vong và em H.Th.Ph. (SN 2007) cùng Ph.Th.K.Ng. (SN 2007) bị thương. Tối cùng ngày, ông Ph. đã ra đầu thú, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn là 0,416mg/lít khí thở. Được biết ông Ph. là Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng ở huyện Gò Công Tây.
|
Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Tấn Minh) |
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Bá Dũng (Công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết, Khoản 17 Điều 8 Chương I Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008) nêu rõ nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông được quy định tại Điều 38 Chương II Luật Giao thông đường bộ 2008, cụ thể:
1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Bảo vệ hiện trường;
b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;
đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
Về hình thức xử phạt, căn cứ Điểm b Khoản 8 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành, việc người điều khiển xe thực hiện hành vi "gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn" có thể bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô (quy định tại Điểm đ Khoản 11 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, người lái xe ô tô gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; làm chết 2 người… có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Luật gia Dũng phân tích, với lỗi vi phạm nồng độ cồn 0,416mg/lít khí thở, lực lượng chức năng có thể xử phạt ông Ph. mức tiền từ 30 - 40 triệu đồng (quy định tại Điểm a Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP), áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (quy định tại Điểm h Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra, với chức danh Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng ở huyện Gò Công Tây, ông này còn bị xem xét các hình thức kỷ luật tương ứng của đơn vị.
Qua theo dõi vụ việc này, với tư cách là người trực tiếp điều tra, xử lý nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông, Trung tá Lê Công Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT - TT Công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho rằng, bên cạnh sự yếu kém kỹ năng xử lý tình huống giao thông dẫn tới va chạm, nhiều cá nhân do thiếu bình tĩnh đã dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc. Do đó, để tránh và giảm những vụ việc tương tự, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời xem xét hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy./.