Vi phạm nồng độ cồn, tấn công cảnh sát giao thông bị xử lý ra sao?

Thứ tư, 22/02/2023 12:44
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra một số vụ việc lái xe có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn không chấp hành hiệu lệnh, chống đối, tấn công cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Vậy dưới góc độ pháp lý, hành vi trên bị xử lý ra sao?
 Vụ việc cụ ông lái ô tô hất văng cảnh sát giao thông lên nắp ca-pô rồi bỏ chạy tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). (Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông)

Thực tế, các vụ việc lái xe vi phạm nồng độ còn chống đối, tấn công cảnh sát giao thông xảy ra trong thời gian gần đây không phải chuyện hiếm, như vụ trốn đo nồng độ cồn, cụ ông lái ô tô hất văng cảnh sát giao thông lên nắp ca-pô rồi bỏ chạy tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) ngày 07/02; hay vụ tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, không chịu xuất trình bằng lái khi Tổ công tác Y11/141 tại nút giao Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra ngày 12/02…

Nhìn nhận vấn đề trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết:

Hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích sau đó điều khiển phương tiện giao thông là hành vi bị nghiêm cấm, hành vi này được điều chỉnh trong hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022,  mức phạt lỗi uống rượu, bia khi lái xe cũng được điều chỉnh, mức phạt đã tăng lên gấp nhiều lần so với lúc trước.

 Đối với xe Ôtô và các loại xe tương tự ôtô, theo quy định tại điểm c khoản 6; điểm c khoản 8; điểm a khoản 10; điểm e, g, h khoản 11 điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô mà có nồng độ cồn trong người sẽ bị xử phạt như sau:

 - Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

 - Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

 - Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy, theo quy định tại điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm e khoản 8; điểm đ, e, g khoản 10 điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà có nồng độ cồn trong người sẽ bị xử phạt như sau:

 - Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

 - Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

 - Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Đồng thời, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Luật sư Hà Thị Khuyên nhận định: Mặc dù chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện khi trong máu và hơi thở có nồng độ cồn được tăng nặng, song hiệu quả mang lại chưa cao, nhiều tài xế có dấu hiệu khinh nhờn quy định pháp luật, cố tình điều khiển xe khi sử dụng rượu bia, thậm chí khi sử dụng rượu bia và điều khiển phương tiện giao thông đã chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người và xe lưu thông trên đường, khi bị phát hiện thì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông mà chống đối ngồi lỳ trên xe, cố tình lách qua thậm chí lao xe trực tiếp vào chiến sĩ cảnh sát đang làm nhiệm vụ, chửi bới, thóa mạ, xô xát với lực lượng đang làm nhiệm vụ...

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là phù hợp, tuy nhiên trong quá trình làm nhiệm vụ lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm mà còn cố tình chống đối lực lượng chức năng, những trường hợp này ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hành vi không chấp hành hiệu lệnh cần bị xử phạt thêm lỗi hành chính quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ.

Cụ thể, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

 Nếu hành vi chống đối tới mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cần kiên quyết xử lý theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Chống người thi hành công vụ, còn nếu hành vi chống đối để lại thương tích hoặc lao xe vào lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ… thì hành bị này cần truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134, tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Thời gian tới để công tác xử lý các tài xế vi phạm về nồng độ cồn cần được siết chặt hơn nữa, lực lượng chức năng khi xử lý cần kiên quyết, không khoan nhượng trước hành vi chống đối không chấp hành hiệu lệnh, xử lý dứt khoát khi phát hiện vi phạm, không thương lượng, không thỏa hiệp… thì sẽ chấn chỉnh được tình trạng tài xế vi phạm nhưng vẫn chống đối, nhờn luật.

Ngoài ra, tại các cơ quan làm việc, trường học, các địa phương cần tích cực, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, về quy định sử dụng rượu, bia, trong hơi thở có nồng độ cồn thì không điều khiển phương tiện giao thông. Cần thực hiện các giải pháp xử phạt và tuyền phổ biến một cách đồng bộ, sâu rộng để mang lại hiệu quả bền vững” - Luật sư Hà Thị Khuyên nêu quan điểm./.                            

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực