|
Văn bản do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu ký ngày 12/5 /2021 |
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp với Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong vi phạm quy định phòng, chống dịch đối với ông Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1977, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội), Sở Nội vụ đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội:
Báo cáo, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến vi phạm của ông Nguyễn Văn Thanh về việc chấp hành quy định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố. Báo cáo kết quả về UBND thành phố (qua Sở Nội vụ) trước 10h00, ngày 13/5/2021.
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan đối với vi phạm của ông Nguyễn Văn Thanh và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
|
Tòa nhà 89 - 91 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, nơi làm việc của vợ ông Nguyễn Văn Thanh được phong tỏa (Ảnh: Thế Giang) |
Trước đó, 2 vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh trở về từ Đà Nẵng sau nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đáng chú ý, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ông Thanh và vợ đã đi lễ, đi họp, liên hoan, tiếp khách, chơi golf... tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Về sự việc này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn, cho biết, không ai muốn bị lây nhiễm, nhưng khi đi từ vùng dịch về mà không khai báo cho thấy sự yếu kém và chủ quan trong nhận thức về phòng chống dịch, từ đó, dẫn đến nguy hiểm cho chính mình và người xung quanh mình, cho cộng đồng.
|
Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tại Theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu, do đó, hành vi này của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh sẽ bị xử phạt theo quy định dưới đây.
*Xử phạt hành chính:
Theo đó, hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc dịch bệnh COVID-19 sẽ bị xử phạt hành chính với mức xử phạt quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A
b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A
c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A
Mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND cấp quận/huyện; Chánh Thanh tra Sở Y tế; Giám đốc Công an tỉnh/thành.
*Xử lý hình sự:
Căn cứ Điểm 1.1 Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Trường hợp không khai báo y tế, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị xử lý theo Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người).
Tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà có thể bị phạt tù đến 12 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.