Trước đó, ngày 7/2, anh Nguyễn Bá Thiết (25 tuổi, trú xã Đức Đồng) là một trong số 130 thanh niên huyện Đức Thọ lên đường tòng quân, biên chế vào Trung đoàn BB1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 (đóng tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Trong quá trình phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới về tuổi đời, sức khỏe, chính trị, văn hóa…, đơn vị phát hiện anh Thiết mới học hết lớp 7 nên yêu cầu xin xác nhận từ nhà trường.
Sau khi địa phương cung cấp giấy xác nhận đã học xong lớp 8 năm học 2012 - 2013, đơn vị tiếp tục xác minh qua gia đình và được cam đoan là Thiết mới học hết lớp 7. Dù đã có "lá đơn tình nguyện" nhưng đơn vị vẫn quyết định trả về địa phương do anh Thiết không đủ tiêu chuẩn về văn hóa.
Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, việc làm sai lệch hồ sơ, lý lịch cũng như lá đơn tình nguyện nhập ngũ của tân binh đều do ông Nguyễn Cửu Long (Chỉ huy trưởng quân sự xã Đức Đồng) làm.
|
Tân binh Nguyễn Bá Thiết bị đơn vị nhận quân trả về do trình độ văn hóa không đạt (Ảnh: Tân Kỳ/Báo Thanh niên)
|
Ngày 21/2, lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ giao Phòng Giáo dục và Đào tạo làm việc với thầy Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu phó Trường THCS Đồng Lạng, để làm rõ việc ký xác nhận không đúng sự thật về trình độ văn hóa của công dân Nguyễn Bá Thiết.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP (Số: 148/2018/TT-BQP, ngày 04 tháng 10 năm 2018) quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn đi nghĩa vụ quân sự, trong đó có nội dung về văn hóa như sau:
- Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp.
- Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
Theo quy định hiện hành tại Điểm b Khoản 3 Điều 61 Chương V Luật Cán bộ công chức 2008 (Luật số: 22/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008) thì chức danh Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã là công chức cấp xã, còn căn cứ theo Điểm a, khoản 1, Điều 20, Luật Dân quân tự vệ 2019 (Luật số: 48/2019/QH14, ngày 22 tháng 11 năm 2019) thì Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban Nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Bộ Quốc phòng quy định Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã có chức vụ tương đương với tiểu đoàn trưởng, cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tá sĩ quan dự bị.
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Chương II Thông tư 29/2020/TT-BQP (Số: 29/2020/TT-BQP, ngày 10 tháng 3 năm 2020) quy định về chức trách, nhiệm vụ của Chỉ huy trưởng quân sự cấp xã như sau:
- Chức trách: Tham mưu cho đảng ủy (chi bộ), chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Nhiệm vụ:
+ Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ;
+ Phối hợp với chính trị viên tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
Trong quá trình tuyển quân, Ban Chỉ huy quân sự là cơ quan thường trực trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện, làm công tác tham mưu và triển khai cho cơ sở thực hiện các bước theo quy định. Sau khi hoàn thành vòng sơ khám, các địa phương lập danh sách công dân trúng tuyển gửi lên, Ban Chỉ huy quân sự huyện sẽ tổ chức khám tuyển về nội dung sức khỏe, đồng thời chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cho thanh niên nhập ngũ.
Trước mắt, ông Nguyễn Cửu Long (Chỉ huy trưởng Quân sự xã Đức Đồng) đã tự nhận hình thức kỷ luật “khiển trách”, đồng thời đã đến gia đình công dân Nguyễn Bá Thiết xin lỗi.
Luật gia Vinh phân tích, sau khi xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện vụ việc, cơ quan chức năng của huyện Đức Thọ có thể quyết định xử lý đối với ông Long theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Mục 2 Chương II Nghị định 112/2020/NĐ-CP (Số: 112/2020/NĐ-CP, ngày 18 tháng 9 năm 2020) của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Về trường hợp của thầy Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu phó Trường THCS Đồng Lạng trực tiếp ký xác nhận trình độ văn hóa, cơ quan chức năng sẽ xem xét, cân nhắc cả lý và tình để quyết định hình thức kỷ luật phù hợp căn cứ theo quy định của Luật cán bộ, công chức năm 2008 (Luật số: 22/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008); Nghị định 112/2020/NĐ-CP (Số: 112/2020/NĐ-CP, ngày 18 tháng 9 năm 2020) của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Luật Giáo dục năm 2019 (Luật số: 43/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019)...
Thậm chí, hai cá nhân trên hoàn toàn có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 359 Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định Tội giả mạo trong công tác. Cụ thể, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Việc cấp ủy và UBND xã Đức Đồng họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cán bộ là hoàn toàn phù hợp và kịp thời.
“Có thể thấy, thực tiễn vụ việc đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh nghiêm túc tất cả các khâu tuyển quân đi nhập ngũ, rút kinh nghiệm cho những đợt sau. Các địa phương cần tổ chức rà soát, phúc tra chặt chẽ, nghiêm túc; tổ chức tốt các bước bình cử, sơ tuyển, xét duyệt ở các cấp, trong đó tổ chức rà soát 100% số công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.