Tòa án cũng xét xử 5 đồng phạm khác gồm Ninh Đức Lợi (sinh năm 1974, trú tại Tổ 8 phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình); Phạm Văn Úy (tên gọi khác là Trường, sinh năm 1989, trú tại Tổ 36 phường Quang Trung, thành phố Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (sinh năm 1979, trú tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (sinh năm 1995, còn gọi là Tiến "trắng", con nuôi Nguyễn Xuân Đường, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); Quách Việt Cường (sinh năm 1974, trú tại Tổ 10 phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình.
Cả 7 bị cáo nêu trên đều bị truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm do tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội cũng như đối tượng bị truy tố là vợ chồng Nguyễn Xuân Đường, đối tượng giang hồ, cầm đầu nhiều băng nhóm tội phạm trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Như vậy, sau hơn một năm bị bắt, Đường "Nhuệ" đã phải ra trước vành móng ngựa không ít lần. Tới thời điểm xét xử ngày 17/11, tổng hợp hình phạt từ các vụ án trước, mức án mà Đường "Nhuệ" cùng vợ phải chấp hành lần lượt là 7 năm và 4 năm 6 tháng tù.
|
Nguyễn Xuân Đường tại phiên xét xử (ảnh TTXVN) |
Câu hỏi nhiều người đặt ra là theo quy định về tổng hợp hình phạt, vợ chồng Đường “Nhuệ” sẽ phải ngồi tù tối đa bao nhiêu năm?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu một số quan điểm liên quan đến các quy định về tổng hợp hình phạt tù đối với người đang thi hành án mà vẫn bị đưa ra xét xử bởi các vụ án khác.
Cụ thể tại phiên tòa đang diễn ra, nếu bị kết tội theo Điểm a Khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về “Tội cưỡng đoạt tài sản”, Đường “Nhuệ” có thể bị phạt tù từ 12-20 năm. Tòa án sẽ tiếp tục tổng hợp hình phạt theo quy định nhưng không quá 30 năm đối với trường hợp phạm nhiều tội.
Tại Điều 56 BLHS năm 2015 quy định, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có 3 trường hợp:
Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử. Sau đó, tổng hợp với hình phạt của bản án trước đã có hiệu lực pháp luật. Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước sẽ được trừ vào hình phạt chung sau khi đã tổng hợp hình phạt.
Nếu một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước theo khoản 2 Điều 56 BLHS 2015.
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cho biết, theo Điều 55 BLHS 2015 về Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau:
Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân; Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình; Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.
Còn trong trường hợp bị cáo đã bị kết án phạt tù có thời hạn, sau đó phải chịu mức hình phạt ở tội danh có mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì hình phạt sẽ chuyển sang tù chung thân hoặc tử hình, Luật sư Kỹ nhấn mạnh./.