Trước đó ngày 13/11, anh Nguyễn Văn Quyền trú tại xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ra khu vực chuồng trại cách nhà khoảng 300m để cho đàn bò ăn, tới nơi thì phát hiện 5/6 con bò bị chém đứt chân. Được biết 5 con bò trên được anh Quyền mua với giá 250 triệu đồng, mục đích nuôi béo bán lại cho các thương lái kiếm lời.
Việc bò bị kẻ xấu chặt đứt chân đã khiến chủ nhân phải bán giá rẻ số bò trên cho lò mổ và làm thịt bán, ước tính thiệt hại gần 120 triệu đồng.
Nhìn nhận vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Vụ việc 5 con bò của gia đình anh Quyền bị kẻ xấu chặt đứt chân tại Nghệ An gây thiệt hại kinh tế giá trị lớn đã có dấu hiệu của tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017 thì đây là tội danh không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Vì vậy cơ quan công an cần điều tra, xác minh sự việc để khởi tố vụ án khi có đủ căn cứ mà không cần chủ của đàn bò bị chặt chân là anh Quyền phải có đơn đề nghị khởi tố vụ án.
|
Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (Ảnh: Tuấn Nam)
|
Căn cứ vào quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 thì mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi thỏa mãn dấu hiệu là tài sản bị thiệt hại có giá trị từ từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Để có căn cứ áp dụng khung hình phạt tương ứng đối với hành vi phạm tội của đối tượng đã thực hiện chặt chân 05 con bò của anh Quyền thì cơ quan cảnh sát điều tra phải tiến hành giám định tỷ lệ thiệt hại của tài sản bị thiệt hại. Qua đó để làm căn cứ áp dụng khi khởi tố vụ án.
Mở rộng vấn đề, Luật sư Khương Tân Phương cho biết: Tội hủy hoại tài sản, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” là nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản như các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và một số tội khác về bảo vệ quyền sở hữu tài sản tại chương các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Theo quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung sửa đổi 2017, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hành chính cao nhất lên tới 100 triệu đồng; trường hợp đủ yếu tố xác định tội hình sự có thể phải đối diện với mức xử phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam...
Ở vụ việc đàn bò Nghệ An, từ kết quả điều tra của cơ quan công an nếu xác định gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể sẽ bị xử phạt bổ sung như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Hành vi hủy hoại tài sản, tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là vi phạm pháp luật, đã từng xảy ra ở nhiều địa phương nên rất cần được cơ quan công an sớm điều tra làm rõ, và có hình thức xử lý mạnh tay hơn, tránh tạo tiền lệ xấu” – Luật sư Khương Tân Phương nói.