Trong kỳ nghỉ Lễ vừa qua, vụ tai nạn giao thông do người 16 tuổi điều khiển ô tô tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ khiến 5 người bị thương ở Bình Thuận là một trong các vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận. Hiện, vụ tai nạn đang được Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Tuy Phong (Bình Thuận) điều tra, xử lý theo quy định. Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra cũng đang xem xét trách nhiệm đối với người đã giao xe cho người mới 16 tuổi điều khiển.
|
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Trần Tuấn) |
Cụ thể, vào khỏag 6 giờ 34 phút ngày 2/9, tại Km số 1604+750m tuyến QL1A, đoạn giao nhau với đường vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong), Nguyễn Chí Hào (SN 2007, trú huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe ôtô BKS 60A - 668.00 hướng Phan Thiết - Phan Rang đã tông vào 5 xe mô tô đang dừng chờ đèn đỏ.
Vụ tai nạn đã khiến 5 người bị thương, trong đó chị Nguyễn Thị Xuân Nhi (thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong) bị thương nặng; ước thiệt hại về tài sản khoảng 60 triệu đồng.
Bước đầu xác định nguyên nhân là do Nguyễn Chí Hào thiếu chú ý quan sát. Qua kiểm tra, Hào cũng không vi phạm nồng độ cồn và ma túy, nhưng lái xe này chỉ mới 16 tuổi trong khi theo quy định người đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện được học, lái xe ô tô hạng B1, B2.
Tiếp cận từ góc nhìn pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng Sự (Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp người giao xe cho Hào biết thanh niên này không đủ điều kiện điều khiển xe ô tô (chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe) nhưng vẫn giao xe ô tô cho lái dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, thì người giao xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Theo đó, tùy tính chất, mức độ và hậu quả của vụ việc, người giao xe có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
|
Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng Sự. |
Luật sư Nguyễn An Bình phân tích, pháp luật hiện hành quy định xe ô tô và các phương tiện cơ giới là "nguồn nguy hiểm cao độ". Các phương tiện giao thông khi sử dụng đều có thể gây ra tai nạn, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Bởi vậy, pháp luật quy định điều kiện điều khiển phương tiện giao thông là phải có giấy phép lái xe phù hợp, phải tuân thủ quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông mới giảm thiểu được nguy cơ tai nạn giao thông.
Mặt khác, do tính chất nguy hiểm của phương tiện giao thông nên pháp luật quy định trách nhiệm của chủ xe cơ giới là phải quản lý, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, nếu không may tai nạn giao thông xảy ra, chủ phương tiện phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Cùng chung quan điểm nói trên, Luật sư Bùi Văn Thành (Hòa Bình) nhìn nhận, trường hợp người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người khác không đủ điều kiện điều khiển sử dụng dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, người giao phương tiện cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Đối với vụ việc nêu trên, nam thanh niên mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi để cấp giấy phép lái xe do vậy không được phép điều khiển xe ô tô. Pháp luật bắt buộc mọi người phải nhận thức được quy định này, nếu cha mẹ mà giao xe ô tô cho con mình chưa đủ tuổi, không có giấy phép phù hợp để điều khiển, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ giao xe cho con hoặc không kiểm soát việc con tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện là sự thiếu trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ trong giáo dục con cái. Chính sự chủ quan và thiếu trách nhiệm khi không tuân thủ pháp luật, đã khiến cho không những con của họ mà còn những người tham gia giao thông phải chịu những hậu quả vô cùng nặng nề.
Vụ việc này thực sự là bài học đối với nhiều bậc phụ huynh khi vẫn cố tình giao xe ô tô cho các con sử dụng trong khi các con chưa đủ tuổi để cấp giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển sử dụng xe ô tô.
Do đó, cùng với việc việc xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, nhà trường, chính quyền các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để học sinh và phụ huynh chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đồng thời, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra./.