Thẩm phán không bao giờ được phép tạo lập hồ sơ khống. Việc làm của thẩm phán Bùi Thị Dung đã ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành tòa án nói chung, Tòa án 2 cấp tỉnh Đắk Nông nói riêng và lòng tin của người dân đối với tòa án.
|
Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: Trung Tân) |
Hầu hết 57 hồ sơ không có người khởi kiện, người bị kiện. "Bà Dung tự nộp đơn, nộp tiền tạm ứng án phí, rồi xin rút đơn..., ông Thọ nói.
Trước đó, tại kỳ họp 7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã thống nhất kỷ luật 3 cán bộ đang công tác trong ngành tòa án vì đã để cấp dưới lập 57 hồ sơ khống.
Cụ thể, kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chánh án TAND huyện Đắk Song, hiện là Chánh án TAND huyện Tuy Đức; bà Nguyễn Thị Hải Âu, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song, hiện là Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô và ông Nguyễn Xuân Triệu, nguyên thẩm phán TAND huyện Đắk Song, hiện là thẩm phán TAND huyện Tuy Đức.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ việc, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm:
Vụ việc lãnh đạo và thẩm phán tòa Đắk Song tạo lập vụ án dân sự “ảo” để xét xử là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành tòa án. Do vậy, cơ quan điều tra VKSND tối cao cần phải xác minh, làm rõ chí ý chủ quan của nguyên lãnh đạo và thẩm phán tòa Đắk Song, lý do tạo lập hồ sơ vụ án khống “hồ sơ ảo” để xét xử nhằm mục đích gì; làm rõ trách nhiệm của cá nhân và các cơ quan liên quan.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trình tự tố tụng giải quyết mỗi một vụ án dân sự kéo theo đó là rất nhiều các giai đoạn, thủ tục tố tụng khác nhau; nhất là trong giai đoạn đưa vụ án ra xét xử cần thiết phải có sự tham gia giám sát của VKS Nhân dân cùng cấp.
|
Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) |
Trong hoạt động xét xử pháp luật quy định tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động xét xử của tòa án có sự giám sát của VKS cùng cấp. Trường hợp tòa án thụ lý vụ án, ban hành các quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định xét xử vụ án thì đều phải thông báo cho VKS để xem xét thực hiện việc kiểm sát xét xử, thực hiện chức năng giám sát. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét làm rõ các hồ sơ vụ án này có báo cáo VKS hay không và trách nhiệm của VKS cùng cấp, kiểm sát viên được thực hiện như thế nào. Nếu có sai phạm thì cũng phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Về góc độ trách nhiệm hình sự, Luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích: Là cơ quan xét xử nhân danh Nhà nước, là biểu tượng công lý, chỉ vì mục đích cá nhân của thẩm phán việc tạo lập hồ sơ giả này để đủ điều kiện bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm thẩm phán hoặc vì lý do thành tích của cơ quan, đơn vị mình nên có hành vi lập khống 57 hồ sơ vụ án, tạo lập hồ sơ vụ án không có thật, không có đương sự, mặc dù không gây thiệt hại về vật chất kinh tế cho các đương sự, nhưng ảnh hưởng rất lớn uy tín của ngành tòa án, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào công lý. Do vậy, cần coi đây hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng có dấu hiệu của tội danh “Tội giả mạo trong công tác”, Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 có mức hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù giam.
Để thỏa mãn tội danh này, người có hành vi phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ, tài liệu, làm giả, làm khống giấy tờ. Hành vi này xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, của chính cơ quan, đơn vị mình đang công tác.
Như vậy, trong vụ việc này nguyên lãnh đạo, thẩm phán đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của ngành tòa án nói chung và Tòa án Nhân dân huyện Đắk Song nói riêng, thỏa mãn dấu hiệu của tội danh quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015./.