Xe ô tô bị đất đá vùi lấp có được bảo hiểm bồi thường?

Thứ ba, 08/08/2023 10:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo luật sư, nếu xác định thiệt hại do thiên tai và chiếc xe đó không mua bảo hiểm thân vỏ thì chủ các phương tiện sẽ không có căn cứ để yêu cầu bảo hiểm thanh toán các chi phí như cẩu kéo, khắc phục, sửa chữa…

Ngày 4/8/2023, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội có mưa lớn đã gây ngập cục bộ đường giao thông tại Đội 5, xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú. Thời điểm xảy ra mưa to các phương tiện ô tô dừng đỗ ăn uống tại một số nhà hàng ven đường, ở vị trí trũng nhất của tuyến đường dài khoảng 80 m (đoạn chạy qua xóm Ban Tiện). Nước từ trên núi đồi chảy dồn xuống đoạn đường này, mang theo cả đất đá và bùn vùi lấp ngang bánh khoảng 10 chiếc ô tô. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt và giải tỏa giao thông.

Nhiều bạn đọc băn khoăn liệu trong trường hợp này, các chủ xe có được đền bù thiệt hại?

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, ô tô là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức hoặc cá nhân. Nếu tổ chức, cá nhân khác có lỗi và gây thiệt hại đến tài sản, phải bồi thường thiệt hại.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại là có hành vi vi phạm hợp đồng dẫn đến thiệt hại trong quan hệ hợp đồng hoặc các bên không có quan hệ hợp đồng nhưng một bên đã có lỗi dẫn đến thiệt hại của bên kia, bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Điều kiện để bồi thường thiệt hại là có thiệt hại xảy ra và một bên có lỗi dẫn đến thiệt hại đó.

 Nhiều chiếc xe ô tô bị đất đá bủa vây ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (Ảnh: Phùng Đô)

Trong vụ việc này, đất đá và bùn vùi lấp gây thiệt hại về thân vỏ, thậm chí về máy móc của xe, cần thời gian và chi phí để sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, phải căn cứ vào sự việc là "sự biến" hay "hành vi" thì các chủ phương tiện mới có cơ sở yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Luật sư Kỹ phân tích, nếu thiệt hại do sự biến (thiên nhiên, thiên tai) mà không có lỗi của bất kỳ cơ quan tổ chức nào thì chủ phương tiện phải tự chịu chi phí sửa chữa, coi như rủi ro do thiên tai gây ra. Còn nếu có mua bảo hiểm thân vỏ, phía bảo hiểm sẽ thanh toán các chi phí như cẩu kéo, khắc phục, sửa chữa… theo nội dung hợp đồng.

Bảo hiểm thân vỏ xe ô tô là sản phẩm bảo hiểm cho các tổn thất, thiệt hại do những tác động từ bên ngoài mang tính chất không lường trước như thiên tai, tai nạn bất ngờ, lật, đổ, chìm, rơi toàn bộ xe, các trường hợp cháy nổ hoặc mất cắp bộ phận hay toàn bộ xe… Tùy từng trường hợp cụ thể được thỏa thuận trong hợp đồng mà khi xảy ra các tổn thất/thiệt hại, chủ xe sẽ được bồi thường một phần hoặc toàn bộ xe.

Cụ thể, theo Khoản 26 Điều 4 Chương I Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (Luật số: 08/2022/QH15, ngày 16 tháng 6 năm 2022) thì hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Tại hợp đồng bảo hiểm vật chất/quy tắc bảo hiểm xe cơ giới quy định rất rõ các rủi ro được bảo hiểm, phạm vi bồi thường và cả các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Xe bị ngập nước do thiên tai là trường hợp bất khả kháng (bao gồm nhưng không giới hạn bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần…) đều thuộc trường hợp được bảo hiểm. Trường hợp ngập lụt gây ra cho cả một vùng rộng lớn khiến xe có mua bảo hiểm vật chất bị ngập nước gây ra thiệt hại thuộc trường hợp được bảo hiểm bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, chủ xe/khách hàng mua bảo hiểm cần xem lại hợp đồng bảo hiểm/quy tắc bảo hiểm và thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về thiệt hại theo số điện thoại ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm/hợp đồng để được hướng dẫn, phối hợp giải quyết quyền lợi.

Nếu đáp ứng đủ điều kiện được bảo hiểm, chủ xe cần chú ý chuẩn bị các hồ sơ giấy tờ sau: Giấy tờ liên quan đến xe, lái xe: giấy đăng ký xe, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm; Giấy tờ chứng minh thiệt hại về người: giấy ra viện, giấy chứng thương, giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong); Giấy tờ chứng minh thiệt hại về tài sản: hóa đơn, chứng từ sửa chữa hoặc thay mới phần bị thiệt hại do ngập nước gây ra theo chỉ định/sự đồng ý của công ty bảo hiểm, giấy từ chứng minh các chi phí hợp lý mà chủ xe đã bỏ ra để giảm thiểu thiệt hại hoặc theo sự hướng dẫn của công ty bảo hiểm…

“Qua vụ việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân, có yếu tố do con người hay không, đặc biệt là việc quản lý rừng, sử dụng đất cũng như trật tự xây dựng ở khu vực này. Nếu có sai phạm cần kiên quyết xử lý theo quy định, giúp phòng ngừa những trường hợp tương tự có thể xảy ra”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực