|
Nhóm đối tượng và tang vật vụ án. (Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk cung cấp).
|
Ngày 14/12, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện M'Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) điều tra, xử lý một nhóm đối tượng từ Hải Phòng vào Đắk Lắk để hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Nhóm đối tượng gồm Bùi Văn Thiện (22 tuổi), Phạm Hồng Thái (30 tuổi), Đỗ Văn Hợp (31 tuổi), đều tạm trú ở huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Theo thông tin ban đầu, tháng 3/2021, các đối tượng từ TP.Hải Phòng vào huyện M'Đrắk để tổ chức hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi từ 121,7%/năm đến 405,5%/năm.
Hiện đã có khoảng 150 người vay tiền với tổng số tiền giao dịch là hơn 4 tỷ đồng. Những đối tượng được nhóm này nhắm đến là những người có thu nhập thấp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở địa phương khó khăn trong mùa dịch, những người có nhu cầu "vay nóng" hoặc vay không có tài sản thế chấp. Tại địa điểm hoạt động của nhóm đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ nhiều giấy tờ, sổ sách, tang vật liên quan.
Liên quan đến nội dung này, bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao quá trình đấu tranh, điều tra, triệt phá từ cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk; đồng thời cho rằng cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm của nhóm đối tượng. Vậy, trường hợp đủ căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự, nhóm đối tượng vi phạm sẽ đối diện mức án nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, về mức lãi suất cho vay, căn cứ điều 468, mục 4, chương XVI, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Luật quy định mức lãi suất do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp bên cho vay yêu cầu mức lãi suất lớn hơn mức 20%/năm thì được coi là cho vay nặng lãi.
Như vậy, tại vụ án này, với hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi từ 121,7%/năm đến 405,5%/năm, theo phân tích của luật sư Hoàng Dương thì cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý nhóm đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi. Xét theo điều 201, mục 2, chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì nhóm đối tượng vi phạm có thể đối diện mức xử phạt bằng tiền cao nhất lên tới 01 tỷ đồng; mức phạt tù cao nhất lên tới 03 năm tù giam. Cụ thể như sau:
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Trên cơ sở điều tra ban đầu, với mức cho vay nặng lãi từ 121,7%/năm đến 405,5%/năm, khoảng 150 người vay tiền với tổng số tiền giao dịch là hơn 4 tỷ đồng, cơ quan chức năng hoàn toàn đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng vi phạm. Trên cơ sở xem xét, điều tra cũng như những yếu tố khách quan, chủ quan hoặc vai trò từng đối tượng, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để làm rõ, xử lý". – luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.