Xử lý tài sản thi hành án “ế khách” thế nào?

Thứ ba, 16/01/2024 12:39
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chi cục THADS quận Gò Vấp (TP. HCM) vừa có thông báo cho người phải thi hành án là ông Nguyễn Trần Hoàng Phong; người được thi hành án gồm bà Nguyễn Thị Bích Hường và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Mạnh Thường.

Trước đó, vào tháng 1/2020, ông Nguyễn Trần Hoàng Phong điều khiển xe ô tô Mercedes đâm bà Nguyễn Thị Bích Hường nữ tiếp viên hàng không gây thương tật 79% và khiến ông Lê Mạnh Thường tài xế lái GrabBike tử vong.

Tháng 7/2022, TAND quận Phú Nhuận xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm tù, buộc bồi thường 1,5 tỷ đồng cho bà Hường và 417 triệu đồng cho gia đình ông Thường; hủy hợp đồng mua bán căn hộ giữa Phong và mẹ ruột, đồng thời duy trì lệnh kê biên.

Tháng 8/2023, Chi cục THADS quận Gò Vấp đã kê biên căn hộ A14-09 chung cư Dream Home (phường 14, quận Gò Vấp) của Phong để đảm bảo cho việc thi hành án. Từ tháng 9/2023 đến nay, căn hộ đã được rao bán đấu giá 3 lần, từ hơn 2 tỷ đồng giảm còn hơn 1,6 tỷ đồng nhưng không có người tham gia đấu giá.

Lực lượng chức năng cưỡng tiến hành cưỡng chế kê biên căn hộ của tài xế Mercedes gây tai nạn chết người sau khi sử dụng chất kích thích để bồi thường cho các nạn nhân (Ảnh: Song Mai)

Một số bạn đọc muốn biết pháp luật quy định như nào nếu tài sản thi hành án không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong tố tụng dân sự, kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Mục 2 Chương IV Luật Thi hành án dân sự 2008 (Luật số: 26/2008/QH12, ngày 14 tháng 11 năm 2008) mà Tòa án thực hiện để ngăn cản những hành vi trái pháp luật đối với tài sản trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự.

Trong tố tụng hình sự, kê biên là biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với bị can, bị cáo mà theo quy định của Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tại Điều 104 Mục 6 Chương IV Luật Thi hành án dân sự 2008 (Luật số: 26/2008/QH12, ngày 14 tháng 11 năm 2008) được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 64/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hướng dẫn xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành như sau:

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thoả thuận hoặc thoả thuận không được về mức giảm giá thì Chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá.

2. Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo về việc người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để thi hành án, nếu người phải thi hành án không nộp đủ số tiền thi hành án và chi phí thi hành án để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên giao tài sản cho người được thi hành án. Đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên ra quyết định giao tài sản cho người được thi hành án để làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó cho người được thi hành án. Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người được thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.

3. Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Người phải thi hành án không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

4. Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản.

5. Mỗi lần giảm giá theo quy định tại các Khoản 1, 3 và 4 Điều này không quá 10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá liền kề trước đó.

“Đương sự có quyền thỏa thuận giảm giá tài sản kê biên, bán đấu giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá. Pháp luật chỉ quy định mỗi lần giảm giá không quá 10% giá đã định chứ không quy định tổng số lần thoả thuận giảm giá”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực