Bên cạnh đó, người nhận hối lộ thường là người có chức vụ quyền hạn, có sức ảnh hưởng đối với xã hội, họ là người có hiểu biết, có nhiều mối quan hệ, có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử tình huống; thủ đoạn nhận hối lộ thường tinh vi, ít khi để lại dấu vết... gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố vụ án, khám xét khẩn cấp đối với 2 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh, đồng thời bắt tạm giam 9 đối tượng để điều tra về hành vi đưa và nhận hối lộ.
Theo điều tra ban đầu, 2 trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đã thu thêm tiền ngoài quy định của các học viên để chuyển cho cán bộ phòng chức năng của Sở Giao thông Vận tải nhằm “tạo điều kiện” trong quá trình thi, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Hai cơ sở bị khám xét gồm: Trung tâm dạy nghề tư thục Tùng Linh (địa chỉ tại thôn Phai Duốc, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) và Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Minh Long (tại thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan).
Trong 9 đối tượng bị tạm giam có 4 bị can thuộc Trung tâmTùng Linh, 3 bị can thuộc Trung tâm Minh Long và 2 bị can là lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn.
|
Lực lượng chức năng Lạng Sơn tiến hành khám xét trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe (Ảnh: A.T) |
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Minh Phương, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 223 ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ. Theo đó “Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, hoặc phu lam, hoặc biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị phạt khổ sai từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phu lam hay biển thủ; Tang vật hối lộ bị tịch thu xung công quỹ. Người phạm tội còn có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Các đồng phạm và tòng phạm cũng bị phạt như trên”.
Sắc lệnh 223 được xem là Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người cũng nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”.
Pháp luật hiện nay quy định Tội nhận hối lộ theo Điều 354 Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Trong khi đó, Điều 364 Mục 2 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng nêu rõ: Đưa hối lộ là hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất cho những người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Theo Điều 2 Chương I Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật số: 36/2018/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2018) thì các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
“Có thể nói, đưa, nhận hối lộ là một trong các hành vi tham nhũng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Tuỳ theo mức độ vi phạm người có hành vi đưa, nhận hối lộ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật gia Phương phân tích.
Về xử lý hành chính: Theo Điểm c Khoản 3 Điều 21 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người có hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Về xử lý hình sự: Theo Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào có hành vi nhận hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong khi đó, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Lợi ích phi vật chất.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên, Khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự cũng quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Về xử lý kỷ luật, theo Khoản 4 Điều 8 Mục 2 Chương II, Khoản 5 Điều 16 Mục 3 Chương II, Khoản 2 Điều 30 Mục 3 Chương III, Khoản 2 Điều 37 Mục 4 Chương III Nghị định 112/2020/NĐ-CP, ngày 18 tháng 9 năm 2020 nêu rõ: Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Bên cạnh đó, chiếu theo Điểm h Khoản 3 Điều 39 Chương III Quy định 69-QĐ/TW, ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên thì cán bộ công chức là đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng khi có hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận “hoa hồng” hoặc môi giới đưa, nhận “hoa hồng” trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực thi công vụ.
Trước đó, ngày 10/4, Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản 3448/BGTVT-TTr chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, sau khi phát hiện tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo 1 qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh dự sát hạch chưa đủ điều kiện dữ liệu DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết...
Yêu cầu các đơn liên quan tổ chức thực hiện nghiêm việc theo dõi, kiểm tra, khai thác và sử dụng dữ liệu DAT, dữ liệu quản lý DAT; Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo để quản lý chặt chẽ việc tổ chức giảng dạy theo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo; kiểm tra kết thúc khoá học theo quy định; Tiếp nhận báo cáo 1, báo cáo 2 đúng thời hạn; đối chiếu danh sách báo cáo 1, báo cáo 2 và dữ liệu quản lý DAT khi xét duyệt danh sách thí sinh dự sát hạch lái xe đảm bảo điều kiện theo quy định, trong đó có đủ số giờ, số kilomet thực hành lái xe trên đường giao thông và các bài học thực hành lái xe.../.